1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghề làm 23 năm lương 7 triệu đồng, ca trực phải "dụ" hàng xóm qua ngủ cùng

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Đó là bối cảnh làm nghề bấy lâu nay của một nữ Phó trưởng trạm y tế tại Long An. Gắn bó được với công việc chừng ấy năm, theo chị, "phải vì đam mê lắm" chứ chỉ nói đến kiếm tiền thì... miễn bàn.

Lương tháng 7 triệu, thêm 16 ca trực vẫn không đủ 8 triệu 

Làm việc trong lĩnh vực y tế được 23 năm, đến nay, chị T.T. (45 tuổi) là Phó trưởng một trạm y tế trên địa bàn, với mức lương gần 8 triệu đồng. Số tiền này đã bao gồm đã khoản phụ cấp, tiền trực 16 ca (40.000 đồng/ca trực).

Nghề làm 23 năm lương 7 triệu đồng, ca trực phải dụ hàng xóm qua ngủ cùng - 1

Trách nhiệm, áp lực công việc quá lớn khiến không ít nhân viên y tế chán nản khi nhận lại mức lương "bèo" (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Không riêng gì chỉ chị T., "sếp" Trưởng trạm y tế tại đây đã sắp về hưu, lương cũng chỉ vừa đạt mức 11 triệu đồng. Chị T. bộc bạch, đây là thực trạng chung của nghề, ngành chứ không riêng gì cán bộ, nhân viên nào.

Thời điểm mới vào nghề hơn 20 năm trước, chị T. nhớ thu nhập khi đó chỉ ở mức vài trăm nghìn đồng. Vì nhà xa trạm y tế, chị T. được cấp một căn phòng nhỏ tại trạm để ngủ, thỉnh thoảng được về nhà vào cuối tuần. Ngày qua ngày, vào ca trực, chị T. lủi thủi một mình ở trạm y tế nên chỉ mong chờ ca trực của đồng nghiệp để có thêm người ở lại trạm cho an tâm, đỡ buồn hơn.

"Lúc đầu bắt đầu trực, ở lại trạm, tôi sợ lắm, vì lạ chỗ mà chỉ có một mình. Thời điểm đó tôi chưa kết hôn, chưa có chồng con gì cả nên toàn kiếm cớ qua bắt chuyện với hàng xóm quanh đó, rồi xin họ cho con cái qua trạm ngủ với tôi cho đỡ sợ", chị T. nhớ lại.

Nghề làm 23 năm lương 7 triệu đồng, ca trực phải dụ hàng xóm qua ngủ cùng - 2

Hầu hết bác sĩ phải làm việc lâu năm trong nghề mới có được mức lương mong muốn, đủ trang trải cuộc sống (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Cho đến khi kết hôn, chị T. không phải ngủ qua đêm ở trạm nữa vì nhà ở gần đó. Thế nhưng, mỗi lần đến ca trực đêm, chị vẫn ngán sợ, phải dắt theo chồng, sau này con lớn thì đưa con cùng đến trạm.

"Việc này là đặc thù của nhân viên trạm y tế rồi, người có chồng thì đem chồng theo, có con lớn thì dắt con đi trực cùng cho đỡ sợ. Nếu con còn nhỏ thì phải đem cả gia đình 2 - 3 người theo vì không thể để con ở nhà một mình được", chị T. cười giải thích.

Bác sĩ H.T.K. công tác tại một cơ sở y tế khác ở Long An cũng cho biết đã có những trải nghiệm trong mấy vui vẻ trong giờ trực đêm. Việc nhân viên y tế thường "dụ" người nhà, thậm chí hàng xóm đi trực cùng là vì thế.

Làm việc tại phòng cấp cứu, bác sĩ K. luôn cảm thấy căng thẳng vì thường các ca tới viện trong đêm đều bệnh nặng. Không những vậy, vị bác sĩ không ít lần bị tra trấn tinh thần vì người nhà bệnh nhân, thậm chí là bệnh nhân vào viện với tình trạng say xỉn, hành vi hung hãn, thiếu kiểm soát.

"Tôi bị chửi mắng, dọa đánh là thường xuyên. Nhưng cũng phải chịu thôi", bác sĩ K. ngán ngẩm.

Nhất quyết không cho con theo nghề

Năm 2012, bác sĩ K. bắt đầu con đường theo đuổi nghề y. "Cậu tôi làm bác sĩ đã mấy chục năm, khi gần nghỉ hưu lương cũng chỉ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Nhà có người thân làm bác sĩ mà mọi người đều khuyên tôi không nên theo nghề vì vất vả, lương thấp. Nhưng khi đó nghề y vẫn có điều gì đó thôi thúc tôi theo đuổi", bác sĩ K. trải lòng.

Hoàn thành chương trình học, anh trở về địa phương làm việc trong 2 năm. Đến năm 2016, bác sĩ K. tiếp tục theo học lên thêm 4 năm. Thời điểm đó, học phí ngành này đắt đỏ, mỗi năm anh phải chi trả từ 50-60 triệu đồng tiền học phí, chưa kể các khoản sinh hoạt khác.

Nghề làm 23 năm lương 7 triệu đồng, ca trực phải dụ hàng xóm qua ngủ cùng - 3

Nhân viên y tế phải đối mặt với lịch làm việc dày đặc, áp lực cao nhưng lương, thưởng lại rất thấp (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Mất 6 năm đi học, 2 năm đi làm, bác sĩ K. quay trở về quê nhà với tấm bằng mà phải "trầy da tróc vảy" lắm mới lấy được. Sau hơn 8 năm đầu tư tiền bạc, thời gian, công sức, bác sĩ K. vào nghề với thu nhập hơn 4 triệu đồng.

"Tháng nào thiếu bác sĩ, cần tôi làm việc tăng cường, trực gấp đôi thì may mới có thu nhập đạt mức 5 triệu đồng. Ngày nào ra quán cà phê ngồi cũng bị hỏi, tôi ngại lắm. Người ta cứ đồn rằng bác sĩ làm lương mấy chục triệu, nhưng khi tôi đưa bảng lương 4 triệu đồng ra, ai cũng im lặng", vị bác sĩ cười trừ.

Vừa làm việc ở phòng cấp cứu, vừa phụ trách phòng khám của bệnh viện nên cuộc sống, sinh hoạt của vị bác sĩ không ít lần bị xáo trộn. Vợ bác sĩ K. cùng làm trong ngành y nên hai vợ chồng hiểu chuyện, thông cảm được cho nhau, cố sắp xếp thời gian để chăm con.

Nghề làm 23 năm lương 7 triệu đồng, ca trực phải dụ hàng xóm qua ngủ cùng - 4

Trực đêm ở phòng cấp cứu luôn là nỗi ám ảnh với nhiều nhân viên y tế (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Khối lượng công việc không quá nhiều như bác sĩ K., nhưng nữ Phó trưởng trạm y tế T.T. ám ảnh về chuyện trực, nhất là khoảng thời gian chiến đấu với dịch Covid-19.

"Lúc đó đoàn chúng tôi phải qua huyện bạn để hỗ trợ, được trả công hơn 100.000 đồng/ngày. Bản thân tôi không sợ tiền ít, mà chỉ sợ… chết. Công việc chịu nhiều áp lực, được ví như làm dâu trăm họ khiến tôi suy nghĩ không biết có nên bỏ nghề không", chị T. bộc bạch.

Dù đã có thâm niên hơn 20 năm trong nghề, đến nay chị vẫn không rõ điều gì níu mình ở lại khoác chiếc áo blouse (áo của bác sĩ). "Nếu có thì chỉ là bản thân đã quá quen nghề rồi. Tôi không giỏi kinh doanh nên kiếm được một công việc ổn định ở quê, có đồng lương nuôi con xem như cũng quý rồi", chị T. nói.

Nhưng trải nghề rồi, chị nêu quan điểm rõ ràng, không ủng hộ con hay bất cứ người thân nào theo nghề này bởi rõ ràng là công việc vất vả mà thu nhập lại thấp hơn các ngành khác. Nếu có ai hỏi chị rằng "có nên theo nghề y không?", chị T. nhất quyết... can gián.

"Con tôi cũng ý thức được điều đó. Nhiều lần con nói "không làm nghề giống mẹ đâu, thấy mẹ than hoài". Giờ con đi làm công ty mới vài tháng, lương đã bằng mẹ làm 23 năm rồi, không biết giải thích sao, tôi chỉ mừng thầm", chị T. nói.