Bác sĩ ra trường lương 4 triệu, 14 tiếng trực hồi sức đêm nhận 65.000 đồng

Nguyễn Vy

(Dân trí) - "Tôi nhận 65.000 đồng cho 14 tiếng trực xuyên đêm ở phòng hồi sức", bác sĩ N.L.C.P. (27 tuổi, công tác tại bệnh viện đa khoa ở một tỉnh miền Tây) ngậm ngùi khi nhắc đến thu nhập lúc mới ra trường.

Được trả lương là… may mắn

Vị bác sĩ chia sẻ, anh bắt đầu những năm đèn sách trên giảng đường từ tháng 10/2014. Do dịch Covid-19 bùng phát, mãi đến tháng 1/2021 anh mới được tốt nghiệp đại học.

Mỗi năm, P. tốn khoảng 60 triệu đồng cho tiền học phí, khoảng 360 triệu đồng cho 6 năm theo học ngành y, chưa tính chi phí sinh hoạt khác. Bố mẹ P. làm giáo viên, lương ba cọc ba đồng nên cũng khá vất vả để lo khoản tiền không nhỏ nuôi con tại thời điểm đó.

Bác sĩ ra trường lương 4 triệu, 14 tiếng trực hồi sức đêm nhận 65.000 đồng - 1

Công việc nhiều áp lực, mang trách nhiệm cao nhưng nhiều bác sĩ ra trường làm việc với mức lương ít ỏi (Ảnh minh họa).

Là một bác sĩ mới ra trường, P. phải trải qua 18 tháng làm việc tại bệnh viện để lấy được chứng chỉ hành nghề, thì mới mong thành bác sĩ chính thức. Theo P., dù số tiền lương ít ỏi chỉ đủ lo một ngày ăn, anh là một trong những người may mắn khi được trả lương, dù mới tốt nghiệp.

"Tại một số bệnh viện khác, bác sĩ mới ra trường còn phải đóng tiền "ngược" để có cơ hội làm việc, lấy chứng chỉ hành nghề. Riêng tôi may mắn được bệnh viện hỗ trợ lương nên cũng tạm coi là trang trải qua ngày được", bác sĩ P. nói.

Cụ thể, trong 18 tháng đó, anh P. được nhận mức lương hơn 3 triệu đồng. Mỗi tháng, P. sẽ có 6-7 ca trực đêm dài 14 tiếng. Tổng cộng, mỗi tháng anh được trả chưa tới 4 triệu đồng.

"Thời điểm đó, tôi ký hợp đồng làm việc ngắn hạn (12 tháng), bệnh viện sẽ trả mức lương tối thiểu dựa trên hệ số bậc đại học (khởi điểm là 2,34). Nghe số tiền này mình cũng hụt hẫng lắm chứ, nhưng trước khi tốt nghiệp tôi cũng đã hỏi đàn anh đi trước rồi. Họ bảo vừa ra trường đừng hi vọng, học và làm thêm 1-2 năm thì mới mong bắt đầu có tiền lương", anh P. ngán ngẩm.

Bác sĩ ra trường lương 4 triệu, 14 tiếng trực hồi sức đêm nhận 65.000 đồng - 2

Không ít bác sĩ vừa ra trường phải đối mặt với áp lực kinh tế lẫn trình độ chuyên môn (Ảnh minh họa).

Suốt thời điểm đó, P. liên tục về nhà mẹ "ăn chực", xin cơm, thức ăn mang lên phòng trọ. Vì mức lương chưa đến 4 triệu đồng không đủ để anh chi trả tiền trọ, đi lại, ăn uống mỗi ngày.

"Là một bác sĩ mới ra trường, tôi không có đủ sức lực, chuyên môn để gánh vác công việc. Áp lực rất lớn nhưng cũng không dám đòi hỏi nhiều", P. bộc bạch.

Trải qua 18 tháng, P. cũng lấy được chứng chỉ hành nghề và được giữ lại làm việc tại bệnh viện tỉnh. Với chức danh bác sĩ nội khoa, làm việc tại khoa hồi sức tích cực, P. được nhận mức lương là 3,8 triệu đồng. Tiền trực đêm cũng tăng lên 100.000-150.000 đồng/ca trực, chưa kể một số khoản phụ cấp, tiền chia lợi nhuận từ các ca thủ thuật.

"Sau thời gian thử thách, thu nhập cao hơn trước chút ít cũng không ăn nhằm vào đâu so với chi phí thực tế để đảm bảo cuộc sống. Tôi đỡ phải tính toán chi li, sáng ăn mì gói, tối ăn cơm nữa nhưng bảo bao giờ đến cảnh dư dả thì... trời biết", vị bác sĩ nói.

Bác sĩ ra trường lương 4 triệu, 14 tiếng trực hồi sức đêm nhận 65.000 đồng - 3

Với số lương ít ỏi, các bác sĩ tâm sự rằng phải thật sự yêu nghề thì mới có thể theo đuổi (Ảnh minh họa).

Dù nói tăng, nhưng tiền lương chẳng thấm vào đâu so với khối lượng công việc, thời gian, tiền bạc mà P. đầu tư vào nghề. Bác sĩ P. phải tận dụng thời gian ngoài giờ hành chính để làm thêm ở công ty chuyên về xe cấp cứu.

Từ đó, đồng hồ sinh học của bác sĩ trẻ không còn kể ngày, đêm nữa. Rời bệnh viện lúc 17h, P. phải đến công ty cấp cứu và làm việc đến 20h. Nhiều đêm điện thoại báo ca cấp cứu liên tục, đều phải bật dậy chạy ngay.

"Đi làm thì thức, về nhà chỉ để ngủ. Mỗi tối tôi vẫn luôn phải canh điện thoại lỡ có cuộc gọi đi cấp cứu", P. nói.

2h sáng vào phòng tắm gọi điện cho mẹ và khóc

Đối với P., một bác sĩ phải đối mặt với rất nhiều áp lực và trách nhiệm. Theo đó, áp lực lớn nhất đến từ chuyên môn và đồng nghiệp. Bởi những kiến thức đã học ở trường không đủ để áp dụng chữa trị cho bệnh nhân.

"Biết rõ mình nắm trong tay tính mạng của một người, điều đó còn căng thẳng hơn. Không những vậy, đa số đồng nghiệp của tôi đều có thâm niên làm việc lâu năm, từ bác sĩ, hộ lý, điều dưỡng cho tới cô lao công ở viện. Vì còn trẻ, nếu có bày tỏ quan điểm tôi cũng khó được lắng nghe, công nhận", P. bộc bạch.

Bác sĩ ra trường lương 4 triệu, 14 tiếng trực hồi sức đêm nhận 65.000 đồng - 4

Tại TPHCM, riêng số lượng điều dưỡng nghỉ việc đã là vấn đề quan ngại lớn (Ảnh: Hoàng Lê).

Ca trực đêm đầu tiên khi còn là sinh viên, tại khoa nội tổng hợp là cú sốc mà P. mãi không quên được. Vị bác sĩ kể, khi ấy, cả nhóm chia ra mỗi người trực một khung giờ. Ở phòng cấp cứu, bệnh nhân rất đông. Đến giờ đi lấy máu cho bệnh nhân, P. hồi hộp nên lỡ làm một bệnh nhân bị chảy máu.

"Lúc đó bệnh nhân mắng chửi rất nhiều, tôi vừa sợ vừa không biết phải làm sao vì chỉ có một mình ở đó, không ai giúp. 2h sáng, tôi chui vào phòng tắm, gọi điện về cho mẹ và khóc", P. kể.

Những tưởng sẽ bỏ nghề, nhưng rồi công việc mỗi ngày đã níu chân P. trụ lại với chiếc áo blouse.

Bác sĩ ra trường lương 4 triệu, 14 tiếng trực hồi sức đêm nhận 65.000 đồng - 5

Nhu cầu nhân lực cho ngành y tế cao, nhưng lại khó đáp ứng được mức lương mong mỏi của nhân sự (Ảnh: TC Nguyễn Tất Thành).

"Bạn bè cùng lứa, học chỉ 3-4 năm là ra trường đi làm. Thời gian học của họ chỉ bằng một nửa chúng tôi mà lương thì lại cao hơn gấp 2, 3 lần. Một công việc áp lực, phải đầu tư tiền bạc, thời gian, công sức quá nhiều, thiết nghĩ phải có mức lương xứng đáng hơn", bác sĩ P. nói.

Vị bác sĩ bộc bạch, vì yêu nghề nên anh không cảm thấy hối hận khi theo đuổi. Nhưng trong thâm tâm, bác sĩ P. luôn cảm thấy có lỗi với gia đình vì đồng lương không đủ phụ giúp bố mẹ, không xứng đáng với những gì bố mẹ đã bỏ ra để lo cho anh ăn học.