PhotoStory

"Nghề cơ cực", đánh đu với trời, đổi mạng kiếm tiền

Thực hiện: Bảo Kỳ

(Dân trí) - Khi cây thốt nốt đơm hoa, người nông dân ở An Giang trèo lên ngọn cao hàng chục mét, cắt mặt vòi hoa rồi hứng nước tiết ra. Mỗi ngày, thợ trèo thốt nốt có thể lấy vài trăm lít mật, kiếm cả triệu đồng.

Nghề cơ cực, đánh đu với trời, đổi mạng kiếm tiền - 1

Thốt nốt được xem là đặc sản ở vùng đất Bảy Núi, tỉnh An Giang. Cây thốt nốt mọc nhiều ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Thốt nốt cho nước ngon và trái ngọt nhưng nghề lấy nước và hái trái vẫn được gọi là "nghề cơ cực". 

Nghề cơ cực, đánh đu với trời, đổi mạng kiếm tiền - 2

Thường khoảng 15 năm tuổi cây thốt nốt mới ra hoa, tạo mật. Khi ấy, thân cây thốt nốt đã cao hơn 5m, buộc lòng người lấy nước thốt nốt phải trèo lên ngọn mới lấy được thứ nước ngọt ngào trời ban. 

Nghề cơ cực, đánh đu với trời, đổi mạng kiếm tiền - 3

Thốt nốt có hai loại, đực và cái. "Cây đực" không kinh tế bằng cây cái nên người ta thường chỉ trồng lấy gỗ làm xuồng, ghe, đồ nội thất. "Cây cái" cho mật, trái được chế biến thành nhiều loại thực phẩm như nước thốt nốt, đường thốt nốt... 

Nghề cơ cực, đánh đu với trời, đổi mạng kiếm tiền - 4

Mật thốt nốt có thể thu hoạch quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vào mùa khô vì thời điểm này mật không bị lẫn nước, khi nấu thành đường sẽ "lời" hơn. 

Nghề trèo thốt nốt, cơ cực đổi tiền triệu mỗi ngày

Anh Nguyễn Ngọc Cẩn (trú tại phường An Phú, thị xã Tịnh Biên) cho biết, thông thường, khoảng 6 lít nước mật thốt nốt sẽ nấu được 1kg đường, nếu mùa mưa thì cỡ 8-9 lít mới nấu được 1kg đường. Ngoài ra, chất lượng mật còn phụ thuộc vào độ tuổi của cây, cây càng "cao niên", mật càng chất lượng.

Nghề cơ cực, đánh đu với trời, đổi mạng kiếm tiền - 5

Để treo lên ngọn thốt nốt cao hàng chục mét, người dân phải buộc 2 hoặc 3 gốc tre to dọc thân cây chừa lại các mắc giống như nấc thang để đặt chân. 

Nghề cơ cực, đánh đu với trời, đổi mạng kiếm tiền - 6
Nghề cơ cực, đánh đu với trời, đổi mạng kiếm tiền - 7

Để lấy mật, người hái thốt nốt sẽ gọt lớp mặt ở đầu bông, cho mật rỉ ra sau đó đặt can nhựa hứng. Mỗi ngày, người thợ phải trèo cây 2 lần, sáng và chiều để cắt mặt bông. 

Nghề cơ cực, đánh đu với trời, đổi mạng kiếm tiền - 8

Gia đình đã có hai thế hệ theo nghề trèo cây, lấy nước thốt nốt, anh Nguyễn Thanh Tuấn kể, từ khi lên 10 anh đã theo cha rong ruổi ra các cánh đồng thốt nốt kiếm sống. Lúc đầu phụ cha xách mật, sau đó học leo trèo.

"Hồi đầu, leo chưa quen, đau chân lắm mà lên tới ngọn nhìn xuống sợ xanh cả mặt. Nhưng làm riết thành quen, đến giờ tôi gần 50 tuổi rồi. Dù công việc dễ kiếm tiền nhưng để cho con trai bám nghề như mình thì tôi không nỡ vì cực lắm, sảy chân là té ngã, nhẹ thì gãy tay, gãy chân, nặng thì bỏ mạng", anh Tuấn nói.

Nghề cơ cực, đánh đu với trời, đổi mạng kiếm tiền - 9

Lý do anh Tuấn cố gắng bám trụ là vì thu nhập từ nghề khá cao. Vào vụ, anh có thể kiếm hơn 1 triệu đồng/ngày từ việc bán nước thốt nốt tươi và nấu đường thốt nốt. 

Nghề cơ cực, đánh đu với trời, đổi mạng kiếm tiền - 10

Cây thốt nốt giúp người dân miền sơn cước sát biên giới Tây Nam kiếm thu nhập từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng mỗi ngày. Hết vụ, họ lại đổi sang công việc khác như phụ hồ, cắt cỏ, bốc vác... chờ mùa nắng lại tiếp tục việc leo trèo, đánh đu giữa trời.

Nghề cơ cực, đánh đu với trời, đổi mạng kiếm tiền - 11

Thứ nước thơm ngon đặc trưng của thốt nốt là kết tinh của đất, trời Bảy Núi ban tặng cho những người nông dân vất vả kiếm tiền từ sức lao động của mình.