Nghề "chồng bỏ vợ chê", mình trần bên lò hấp cá nóng rực 60 độ C

Theo các chủ lò hấp cá ở phường Hải Cảng, TP.Quy Nhơn (Bình Định), nghề hấp cá tại đây gắn liền với sự hình thành của nghề cá Quy Nhơn từ hơn nửa thế kỷ nay.

Bận rộn trong “căn hầm” 60 độ C

Trước đây, lượng cá tươi đánh bắt được nhiều, thị trường địa phương tiêu thụ không hết nên người dân ở đây nghĩ ra cách chế biến để giữ lấy độ tươi ngon của hải sản rồi mang bán ở các nơi trong tỉnh.

Dần dần, những cư dân ở đây đi làm ăn nơi xa, họ mang món cá hấp của quê nhà theo và được nhiều người ở vùng khác khen ngon, nhờ đặt mua giùm. Từ đó, món cá hấp ở vùng biển này được ưa chuộng ở nhiều nơi.

Ngày làm việc vất vả của nhân công tại lò hấp.  Ảnh: Dũ Tuấn
Ngày làm việc vất vả của nhân công tại lò hấp. Ảnh: Dũ Tuấn

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND phường Hải Cảng (TP.Quy Nhơn), cho biết: “Hấp cá là nghề truyền thống của một số hộ ở khu vực gần cảng cá. Sau khi giải tỏa khu nhà rầm để xây dựng đường Xuân Diệu, phường đã tập trung các lò hấp cá vào hoạt động tại chợ cá Hải Cảng nhằm tạo điều kiện cho bà con tiếp tục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống”.

Anh Nguyễn Thanh Sơn đã có thâm niên hơn 10 năm đứng lò hấp cá. “Nghề này khổ cực lắm, phải chịu được mùi tanh hôi và sức nóng của lửa lò. Tôi làm ở đây ăn lương theo sản phẩm, mỗi ngày có thể thu nhập khoảng 150.000 đồng. Dù khó khăn nhưng mình làm miết rồi cũng quen, giờ không chữ nghĩa thì biết làm gì ra tiền” - anh Sơn chia sẻ.

Tại khu vực phường Hải Cảng có gần 10 lò hấp cá, mỗi ngày nếu nhu cầu hàng nhiều thì mỗi lò hấp trên 2 tấn cá. Sản phẩm hấp xong sẽ được vận chuyển đi tiêu thụ tại các mối quanh địa bàn Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum…

“Công việc của tôi bắt đầu từ 4 giờ sáng đến lò để nhen lửa, đun nước cho sôi và chờ hải sản để hấp. Làm riết rồi thân nhiệt của cơ thể tôi bỗng dưng nóng hẳn lên, vợ bảo như cục than, người thì nóng, hôi hám đủ mùi. Có ngày nhiệt độ tại khu vực lò lên đến 60 độ C, vừa làm tôi phải vừa xối nước lên người để tránh nóng” - anh Sơn cho hay.

Ông Hà Văn Đào đang thực hiện công đoạn hấp cá. Ảnh: Dũ Tuấn
Ông Hà Văn Đào đang thực hiện công đoạn hấp cá. Ảnh: Dũ Tuấn

Theo kinh nghiệm của nhiều người làm nghề hấp cá, sản phẩm muốn ngon và đạt chất lượng thì mực chỉ hấp chừng 10 phút, cá thì vài ba phút (tùy theo kích thước) và người hấp phải biết cách để canh cho chúng vừa đến độ chín. Thực tế, đường vận chuyển xa nếu hải sản không chín sẽ bị hư, còn nếu chín quá thì độ tươi ngon rất dễ mất đi.

“Mỗi ngày tôi đứng lò hấp khoảng 500kg cá, mực nếu nhiều mối đặt hàng cho chủ thì tôi hấp cả tấn. Nghề này khổ lắm, thu nhập thấp lại lo sợ tiếp xúc với lửa, mùi hôi hải sản... Khi về già sợ bệnh tật đủ thứ. Nhưng lỡ theo nghề nên bám luôn, chứ chuyển nghề thì chẳng biết khi làm có thú vui không” - ông Hà Văn Đào (53 tuổi) tâm sự.

Gắn đời với lò hấp

Tại một lò hấp, gian nhà chỉ chừng 30-40m2 chứa chật ních nào là cá cơm, cá nục, cá ngừ sọc dưa, mực… Những nồi hấp to đùng được đặt trên những bếp lửa đang cháy ngùn ngụt. Giữa không gian chật chội mà ngoài nắng, trong nóng, lại nồng nặc mùi tanh nhưng 10 người thợ cả nam lẫn nữ vẫn vui vẻ lao động.

Hấp cá nghe thì có vẻ đơn giản nhưng nghề này không kém phần vất vả. Người làm nghề phải mình trần trong lò nhiệt độ cao và thức dậy lúc 2-3 giờ sáng, chờ những tàu cá cập bến đưa hải sản lên. Cá về đến lò là các lao động lao vào làm việc, nhằm bảo đảm độ tươi ngon của cá sau khi thành phẩm.

Ngày làm việc vất vả của nhân công tại lò hấp. Ảnh: Dũ Tuấn
Ngày làm việc vất vả của nhân công tại lò hấp. Ảnh: Dũ Tuấn

Các lao động tiến hành làm sạch vây, vảy, ruột các loại cá… Sau đó, cắt thành từng lát, xếp vào rổ rồi đổ vào chảo nước đang sôi để hấp chín.

Tại lò hấp, đa phần việc rửa và cắt, xếp hải sản đều do phụ nữ đảm nhiệm, các chủ lò thường tính công bằng cách ăn theo sản phẩm hoặc lương tháng. Tranh thủ nghỉ tay, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (44 tuổi), cho biết: “Công việc của tôi là thái, làm sạch hải sản, mỗi tháng chủ trả cho tôi 2 triệu đồng, đủ tiền để trang trải cuộc sống qua ngày. Nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, không cẩn thận thì đứt tay như chơi”.

Các lò hấp nằm san sát nhau với hệ thống điện, nước cũ kỹ, trong một không gian chật hẹp, hôi tanh và tối tăm... là nỗi khổ của người làm nghề. Để kiếm tiền, họ phải chịu các bệnh về xoang, tai mũi họng và xương khớp.

“Làm nghề như chúng tôi, do mùi hôi từ hải sản nên nhiều gia đình lâm vào cảnh “chồng bỏ, vợ chê”. Nhiều lúc tôi vừa về đến nhà, chồng con thấy mùi hôi, ban đầu thì thấy hơi ngại ngùng nhưng dần dần rồi cũng thành thói quen” - bà Lê Thị Cờ thổ lộ.

Theo Danviet.vn