Nghệ An sẽ có tuyến xe buýt dành riêng cho công nhân các khu công nghiệp

Hoàng Lam

(Dân trí) - Những tuyến xe buýt sẽ được xây dựng để đưa đón công nhân từ các huyện đến hai khu công nghiệp lớn thuộc tỉnh Nghệ An.

Ngày 29/4, ông Nguyễn Văn Hải - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm vận chuyển công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An bằng phương tiện xe buýt. Dự kiến, chuyến xe buýt đầu tiên sẽ chạy vào ngày 5/5 tới.

Trước đó, theo số liệu khảo sát của Khu kinh tế Đông Nam, có khoảng hơn 2.000 công nhân các huyện có nhu cầu đi làm bằng xe buýt, tập trung tại Khu công nghiệp Vsip Nghệ An (đóng trên địa bàn huyện Hưng Nguyên) và Khu công nghiệp Nam Cấm (đóng trên địa bàn huyện Nghi Lộc, Nghệ An).

Nghệ An sẽ có tuyến xe buýt dành riêng cho công nhân các khu công nghiệp - 1

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An tổ chức các chuyến xe đưa, đón công nhân theo phân vùng địa bàn cư trú, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.

"Tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt kết nối với các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm giảm thiểu phương tiện cá nhân, chi phí đi lại cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Việc thí điểm cũng nhằm xây dựng tiền đề nhằm kêu gọi đầu tư và khai thác các tuyến xe buýt nội thành phố Vinh; đảm bảo tính kết nối của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với các Khu công nghiệp trên địa bàn hướng tới xe buýt hoạt động bền vững, phục vụ nhu cầu đi lại của công nhân tại các khu công nghiệp", ông Nguyễn Văn Hải cho hay.

Theo kế hoạch thí điểm, sẽ có 2 phương án để bố trí phương tiện vận tải khách.

Phương án 1, bố trí phương tiện xe buýt để vận chuyển công nhân từ các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc đến khu công nghiệp Vsip và công nhân các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Đô Lương, Yên Thành đến Khu công nghiệp Nam Cấm.

Các tuyến xe buýt này sẽ bắt đầu khởi hành ở điểm đầu tuyến để đón công nhân từ 5h và xuất phát tại khu công nghiệp từ 16h30, muộn nhất là 19h.

"Tại các tuyến xe buýt này sẽ song song phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và phương tiện riêng để chở công nhân theo danh sách được doanh nghiệp đăng kí với các công ty xe buýt theo từng cung đường đã phân công", ông Nguyễn Văn Hải thông tin.

Phương án 2, các khu công nghiệp căn cứ số công nhân có nhu cầu đi lại bằng xe buýt, lượng xe, thời gian vận chuyển, chi phí dự kiến từng chuyến xe để thương thảo và ký kết hợp đồng vận chuyển với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt.

Nghệ An sẽ có tuyến xe buýt dành riêng cho công nhân các khu công nghiệp - 2

Theo đại diện doanh nghiệp, thời gian đón công nhân trở về cần điều chỉnh để phù hợp với thời gian tan ca, tăng ca của người lao động.

Hiện công tác chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, phương tiện, các điểm dừng đón, nhà chờ... đã hoàn tất để phục vụ cho hoạt động đưa đón công nhân.

Bà Nguyễn Thị Quế (Công ty IMS, Khu công nghiệp Vsip Nghệ An) cho biết, nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng của người lao động trong công ty cao. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có gần 20 công nhân đăng ký sử dụng xe buýt đưa đón.

"Các công ty thường tăng ca, nên thời gian xuất bến trả khách muộn nhất tại khu công nghiệp theo kế hoạch lúc 19h là khá sớm. Mặt khác, các xe buýt chỉ trả khách tại điểm chờ, trong khi công nhân lại ở các xóm cách xa điểm, nếu sử dụng phương tiện đưa đón thì lại phải tìm chỗ gửi xe máy. Bởi vậy dù có nhu cầu nhưng nhiều công nhân vẫn lựa chọn xe có dịch vụ đón, trả tận nhà", bà Quế phân tích.

Để thuận lợi hơn cho người lao động cũng như hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Quế cho rằng cần nghiên cứu lùi thời gian đón công nhân tại các khu công nghiệp về muộn hơn.

Việc thí điểm này dự kiến kéo dài đến ngày 6/5. Sau một tháng vận hành, các cơ quan liên quan sẽ đánh giá hiệu quả, xem xét giải quyết những vấn đề phát sinh để rút kinh nghiệm nhằm tổ chức và duy trì phục vụ nhu cầu đi lại lâu dài cho người lao động.