Nghệ An: Giải ngân vốn cho doanh nghiệp vay trả lương người lao động
(Dân trí) - Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An đã giải ngân vốn cho 4 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay trả lương người lao động. Có 340 lượt lao động được thụ hưởng từ chương trình này.
Ông Bùi Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An - cho biết, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 4 doanh nghiệp được Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh giải ngân nguồn vay vốn trả lương cho người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, nhiều chính sách hỗ trợ đã được Chính phủ triển khai. Song song với các chương trình hỗ trợ người lao động, Chính phủ cũng đã giao NHCSXH thực hiện cho vay đối với người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính để trả lương ngừng việc cho người lao động.
Ngay sau khi các chính sách hỗ trợ được triển khai, NHCSXH tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Sở KH&ĐT, Cục thống kê và các doanh nghiệp để nắm bắt thông tin nhu cầu vay vốn từ các chủ sử dụng lao động. Thống kê cho thấy toàn tỉnh có gần 13 ngàn doanh nghiệp và 60 trường học, cơ sở giáo dục tư thục.
"Khi tiếp nhận hồ sơ đủ điều kiện, trong vòng 5 ngày chúng tôi sẽ giải ngân vốn vay cho các doanh nghiệp. Tính tới thời điểm này chúng tôi mới chỉ giải ngân được 578 triệu đồng cho 4 doanh nghiệp vay vốn, trả lương cho 340 lượt lao động", ông Nguyễn Văn Vinh - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Nghệ An cho biết.
Theo ông Vinh, tỉ lệ giải ngân vốn vay từ gói hỗ trợ này thấp là do nhu cầu vay từ các doanh nghiệp không cao.
"Bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông, chúng tôi đã trực tiếp cử cán bộ đến làm việc trực tiếp, gọi điện thoại cho chủ sử dụng lao động thông tin về gói hỗ trợ cho hơn 2.500 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp còn lại đều được gửi thông tin qua email, thư mời... nhưng phần lớn không có phản hồi. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để vực lại sản xuất kinh doanh nhiều hơn là vay vốn trả lương cho lao động.
"Một số ít đơn vị có nhu cầu vay vốn nhưng còn vướng một số vấn đề chính như không nộp bảo hiểm cho người lao động; thời gian ngừng việc không phù hợp với quy định; người lao động nghỉ việc nhưng không có thỏa thuận ngừng việc hoặc doanh nghiệp còn nợ bảo hiểm nên không thể giải quyết thủ tục cho vay được", ông Vinh thông tin thêm.
Ông Nguyễn Hữu Bắc - Giám đốc Công ty Đầu tư du lịch PhucGroup, một đơn vị đăng ký vay vốn để trả lương cho người lao động - cho biết: "Ngành du lịch đang có dấu hiệu phục hồi, dù còn rất khó khăn. Nếu thuận lợi, phải đến quý 2 năm 2021 các hoạt động du lịch, lữ hành mới có thể hoạt động trở lại bình thường, khi đó chúng tôi mới có thể trả lương như mức cũ trước dịch cũng như đóng nối BHXH cho số lao động đang phải nghỉ việc...".
Khi dịch Covid-19 xảy ra, Công ty Đầu tư du lịch PhucGroup (Nghệ An) phải hủy hàng loạt tour du lịch trong và ngoài nước, hệ thống nhà hàng và đội xe du lịch đình trệ, các hoạt động gần như đóng băng. Trước tình hình đó, công ty buộc phải cắt giảm nhiều nhân sự, cho ngừng việc không lương và xin dừng đóng BHXH cho hơn 50% người lao động phải nghỉ do dịch bệnh.