Nghệ An: Đào tạo nhân lực du lịch chưa kịp yêu cầu của thị trường lao động

(Dân trí) - Ứng viên không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, lao động phải đào tạo lại, trong khi đó giáo viên chuyên ngành du lịch tại cơ sở đào tạo lại thiếu kiến thức thực tiễn… Đó là thực trạng đang diễn ra trong công tác đào tạo nhân lực ngành du lịch ở Nghệ An.

Theo thống kê của Sở Du lịch Nghệ An, toàn tỉnh hiện có khoảng 15.000 lao động đang làm việc trong ngành du lịch. Tuy nhiên, khoảng 60% trong số đó mới được đào tạo đúng chuyên ngành.

Mặc dù chất lượng nhân lực ngành du lịch đã có nhiều cải thiện nhưng tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên sâu còn thấp; thiếu đội ngũ quản lý điều hành khách sạn nhỏ và vừa, quản lý lữ hành, hướng dẫn viên, thuyết minh viên chuyên nghiệp và lao động giỏi ngoại ngữ…

Chất lượng lao động trong ngành du lịch Nghệ An đang từng bước được nâng lên, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp cũng như phục vụ du khách tốt hơn (Ảnh M.T)
Chất lượng lao động trong ngành du lịch Nghệ An đang từng bước được nâng lên, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp cũng như phục vụ du khách tốt hơn (Ảnh M.T)

Là một người hoạt động lâu năm trong ngành du lịch và cộng tác giảng dạy chuyên ngành du lịch ở một số trường cao đẳng nghề tại Nghệ An, ông Nguyễn Hữu Bắc - Giám đốc Công ty đầu tư du lịch PhucGroup - thẳng thắn chỉ rõ: “Chất lượng lao động trong ngành du lịch tại Nghệ An thực sự chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Đơn củ như vốn ngoại ngữ rất kém. Cứ 10 người thì có đến 8 người vốn ngoại ngữ kém, nhất là ngoại ngữ chuyên ngành".

Cũng theo ông Nguyễn Hưu Bắc, tình trạng ngoài ngữ kém xuất hiện ở cả các em được đào tạo bài bản trong các trường chuyên nghiệp. Trong khi đó, hồ sơ dự tuyển của nhiều em rất “đẹp” nhưng bản thân thiếu kiến thức thực tế. "Bởi vậy, sau khi tuyển dụng chúng tôi đều phải đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc” - ông Nguyễn Hữu Bắc cho biết.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc điều hành Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm - cho biết, đơn vị đang gặp khó trong khâu tuyển dụng lễ tân, phục vụ nhà hàng, nhà bếp hoặc có tuyển dụng được cũng phải mất thời gian đào tạo lại.

Theo đó, nhiều ứng viên không đáp ứng được các yêu cầu “cứng” của nhà tuyển dụng, như: Vị trí lễ tân yêu cầu về ngoại hình khá và chiều cao phải đạt từ 1,6m trở lên, Nhưng nhiều em đến ứng tuyển, dù đúng chuyên ngành, có chuyên môn, kỹ năng nhưng chiều cao lại khiêm tốn.

“Tại sao ngay từ khi đào tạo, nhà trường không tư vấn cho các em lựa chọn các chuyên ngành phù hợp mà để cả mấy năm trời học hành tốn kém rồi đến khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng tối thiểu của doanh nghiệp?” - bà Nguyễn Thị Hương đặt băn khoăn với công tác đào tạo lao động ngành du lịch hiện nay tại Nghệ An.

Ông Nguyễn Hữu Bắc (người ngồi giữa) trong một buổi phỏng vấn tuyển dụng lao động. Theo ông Bắc, đội ngũ lao động đã qua đào tạo trong ngành du lịch ở Nghệ An chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu sử dụng, nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển dụng phải tổ chức đào tạo lại.
Ông Nguyễn Hữu Bắc (người ngồi giữa) trong một buổi phỏng vấn tuyển dụng lao động. Theo ông Bắc, đội ngũ lao động đã qua đào tạo trong ngành du lịch ở Nghệ An chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu sử dụng, nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển dụng phải tổ chức đào tạo lại.

Cùng chia sẻ những quan điểm trên, ông Hoàng Văn Hiếu - Phó Trưởng khoa Nghiệp vụ Văn hóa và Du lịch, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An - cho rằng trong thời gian qua, nhà trường đã có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo nghề, đặc biệt là đội ngũ lao động cho ngành du lịch. Tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng lao động đã đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Theo ông Hoàng Văn Hiếu, nguyên nhân là đội ngũ giảng viên của nhiều trường còn nặng về lý thuyết hàn lâm mà thiếu kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn. “Dạy cho các em làm nhưng giáo viên đã làm thực tế bao giờ đâu?”, ông Hiếu thẳng thắn thừa nhận. Ông Hoàng Văn Hiếu cũng mong muốn được "gửi" giảng viên đến các doanh nghiệp du lịch học hỏi kinh nghiệm thực tế, đồng thời đánh giá tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp lỏng lẻo là một trong những nguyên nhân dẫn tới lao động ngành du lịch đã qua đào tạo không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Bởi vậy sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này là rất cần thiết.

Trên phương diện của người sử dụng lao động, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch Nghệ An cho rằng, các trường cần thay đổi chiến lược, nội dung đào tạo để phù hợp hơn với thực tiễn cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp.

Đây là ngành đặc thù, không nên quá nặng về lý thuyết mà phải tăng thời gian thực hành, cần thiết phải “nhúng” sinh viên vào các doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất để học bởi quá trình học việc trực tiếp này sẽ giúp bản thân các em tự định hướng về nghề, trau dồi và phát huy thế mạnh cho mình.

Du lịch cộng đồng là loại hình thu hút đông khách du lịch đến Nghệ An, trong đó có nhiều khách quốc tế (ảnh Sở Du lịch Nghệ An)
Du lịch cộng đồng là loại hình thu hút đông khách du lịch đến Nghệ An, trong đó có nhiều khách quốc tế (ảnh Sở Du lịch Nghệ An)

"Tôi nghĩ, đối với đội ngũ lao động trong ngành du lịch, ngoài được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ vững, khả năng ngoại ngữ tốt thì cần trang bị cho các em đạo đức nghề nghiệp. Cần phải để các em nhận thức được rõ ràng, cụ thể về nghề mình sẽ theo đuổi. Không phải tô hồng về nghề nghiệp khiến các em ảo tưởng, đến khi bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp lại không thể đáp ứng được” - ông Nguyễn Hữu Bắc nói.

Theo định hướng đến năm 2020, tỉnh Nghệ An cần 16.000 - 17.000 lao động cho ngành du lịch, trong đó có 12.000 - 15.000 lao động đã qua đào tạo.

Để khắc phục những hạn chế về nhân lực, Sở Du lịch Nghệ An đề nghị các cơ sở đào tạo quan tâm đổi mới chương trình dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, mời các chuyên gia có kinh nghiệm đang làm việc tại các doanh nghiệp du lịch trong hoặc ngoài tỉnh tham gia giảng dạy nhằm giúp sinh viên bám sát thực tế hơn, hướng tới đào tạo theo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Hoàng Lam