Nghệ An: “Chảy máu” lao động miền núi
(Dân trí) - Nhiều huyện miền núi ở Nghệ An đang đứng trước thực trạng “chảy máu” nguồn lao động. Trong khi người lao động tìm hướng sang các tỉnh làm việc, chấp nhận đi XKLĐ thì ngành nông lâm nghiệp của các địa phương trên lại thiếu lao động, ruộng đất bỏ hoang.
Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương (Nghệ An), cho rằng: Hiện nay các chính sách dân tộc và miền núi với mục tiêu ổn định dân cư, di dời dân ra khỏi vùng lũ đã bị kéo dài thời gian, cấp vốn nhỏ giọt khiến dự án dang dở, kéo theo đời sống người dân chưa ổn định. Tỉnh Nghệ An hiện có 12 dự án ổn định dân cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đang dở dang do thiếu vốn.
Bên cạnh đó, năm vừa qua, nhiều huyện miền núi Nghệ An còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cơn mưa cũng như các đợt xả lũ từ các nhà máy thủy điện. Điều này khiến đời sống người dân vốn đã khó khăn càng trở nên khó khăn, thiếu thốn hơn. Tuy nhiên, các ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp để giải quyết khó khăn, giúp người dân sớm ổn định đời sống và sản xuất.
“Hiện các huyện miền núi đang đứng trước tình trạng lao động đi làm ăn xa, dẫn đến thiếu hụt lao động tại chỗ, ruộng đất bỏ hoang, kéo theo thu nhập từ nông, lâm nghiệp thấp”, ông Nguyễn Văn Hải thông tin thêm.
Trước tình trạng người lao động các huyện miền núi rời quê hương đi làm ăn, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các huyện tổng hợp số liệu, báo cáo cơ quan chức năng để có phương án giải quyết.
Theo số liệu tổng hợp của 10 huyện miền núi tỉnh Nghệ An, hơn 45.900 người lao động đã đi ra khỏi huyện (nam 27.756 người, nữ 18.181 người). Trong đó, số lao động đi nước ngoài chiếm 15.438 người, riêng thị trường lao động Trung Quốc là gần 5.800 lao động.
"Đơn cử như huyện Tương Dương, có 8.327 người (nam chiếm 4.752). Đi lao động trong nước là hơn 5.000; 2.396 người đi lao động ở Trung Quốc, số còn lại đi Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Malaixia… Số lao động đi Trung Quốc ở các huyện Quỳ Châu, Nghĩa Đàn cũng chiếm “ưu thế” so với các thị trường nước ngoài khác", ông Lương Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết.
Theo kết quả khảo sát, các lao động nói trên có thu nhập bình quân chia làm 3 mức, từ 5-7 triệu đồng, 10-20 triệu, hoặc trên 20 triệu đồng. Số lao động đi Trung Quốc chiếm số lượng lớn và có mức thu nhập trung bình từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng cho thấy, có 23.841 người có hộ khẩu tại các huyện miền núi nhưng không sinh sống ở đây từ 6 tháng trở lên, trong đó hộ nghèo là 4.882 hộ nghèo, số hộ cận nghèo cũng chiếm số lượng lớn.
Những lao động này theo quy định sẽ không được hưởng chế độ ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, việc kiểm soát vấn đề này không dễ do người dân sinh sống phân tán hoặc ở các vùng sâu, vùng xa của các huyện miền núi.
“Cần phân tích rõ hơn về vấn đề này để thấy được thực trạng lao động, thực trạng đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở các địa phương miền núi hiện nay”, ông Lương Thanh Hải nhấn mạnh.
Hoàng Lam