1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghệ An: 18 người chết vì tai nạn lao động trong 3 năm qua

(Dân trí) - Từ năm 2016 -2018,tại tỉnh Nghệ An, 66 vụ tai nạn lao động đã xảy ra với 81 người bị nạn (trong đó có 18 người chết). Các vụ tai nạn lao động xảy ra chủ yếu ở các ngành nghề có nhiều yếu tố nguy hiểm như khai thác, chế biến khoáng sản, xây dựng, sản xuất công nghiệp.

Đây là số liệu được cung cấp tại báo cáo kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động và chế độ chính sách đối với người lao động của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2018.

Khai thác, chế biến khoáng sản là một trong những nhóm ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động. Trong 3 năm 2016-2018, trong lĩnh vực này đã xảy ra 10 vụ TNLĐ, làm 10 người chết, 6 người bị thương (ảnh N.Duy).
Khai thác, chế biến khoáng sản là một trong những nhóm ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động. Trong 3 năm 2016-2018, trong lĩnh vực này đã xảy ra 10 vụ TNLĐ, làm 10 người chết, 6 người bị thương (ảnh N.Duy).

Tỉnh Nghệ An hiện có hơn 290.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Trong đó, lao động nữ là 116.700 người, chiếm 56%. Mới chỉ có hơn 53.000 lao động là đoàn viên công đoàn, thuộc 501 tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp.

Từ năm 2016 đến năm 2018, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 66 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 81 người bị nạn, trong đó 18 người chết/15 vụ, 44 người bị thương nặng. Các vụ TNLĐ làm thiệt hại về vật chất hơn 4 tỷ đồng (gồm chi phí y tế, trả lương trong thời gian điều trị, bồi thường, trợ cấp cho người bị nạn.

Các vụ TNLĐ chủ yếu xảy ra ở các ngành, nghề có nhiều yếu tố nguy hiểm như khai thác, chế biến khoáng sản (10 vụ, làm chết 10 người, 6 người bị thương nặng), xây dựng, sản xuất công nghiệp (18 vụ, làm chết 5 người, bị thương nặng 19 người).

Trong 3 năm qua, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An chủ trì, phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật an toàn vệ sinh lao động 44 cuộc tại 369 doanh nghiệp. Cơ quan chức năng xử phạt, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính 91 doanh nghiệp số tiền gần 1 tỷ đồng.

Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện chế độ tiền lương theo mức lương tối thiểu vùng quy định. Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đã xây dựng thang bảng lương, bảng phụ cấp chức vụ quy định đối với từng đối tượng lao động trong doanh nghiệp và được phòng LĐ-TB&XH xác nhận.

Tiền lương bình quân các doanh nghiệp trả cho người lao dộng từ 5-5,8 triệu đồng/người/tháng. Tiền lương cao nhất là 130 triệu đồng/tháng/người, thấp nhất là 2,8 triệu đồng/tháng/người.

Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 11.238 doanh nghiệp có đăng ký nộp thuế với 290.039 người lao động. Tính đến ngày 30/6/2018 có 6.108 doanh nghiệp đã tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động với tổng số lao động tham gia 215.942 người, chiếm 74,45% trong tổng số người, tương đương số tiền 829 tỷ đồng.

Tuy nhiên cũng có 25 đơn vị bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền 763 triệu đồng do các vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, chủ yếu là nợ đóng bảo hiểm cho người lao động.

Hoàng Lam