1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghề 2h sáng phải đi cùng… thi thể sau lưng

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Là tài xế xe cứu thương, anh Hùng và các đồng nghiệp đã trải qua nhiều tình huống "dở khóc dở cười". Tuy nhiên, với tính thương người, những tài xế này vẫn cố bám trụ với nghề.

Nghề của người thích… cô đơn

"Bạn bè biết tôi làm nghề này, đứa nào cũng sợ hết. Dần dần cũng ít bạn hơn vì người ta không dám lại gần khi biết tôi làm nghề thường xuyên tiếp xúc với người chết. Còn chuyện lập gia đình thì thôi, miễn bàn!", anh Hùng (32 tuổi), tài xế xe cứu thương kể.

Trên hành trình từ TPHCM đi Phú Yên, tài xế Hùng vừa tập trung quan sát đường, vừa phải hỏi thăm người đi cùng bệnh nhân xem tình hình có ổn không.

Nghề 2h sáng phải đi cùng… thi thể sau lưng - 1

Anh Huỳnh Ngọc Hùng, làm việc như một tài xế xe cứu thương đã được hơn 6 năm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Thông cảm nhé, tôi không có nhiều thời gian", anh Hùng tranh thủ vài phút ngắn ngủi trên xe để trò chuyện với phóng viên Dân trí.

Có thâm niên làm nghề hơn 6 năm, anh Hùng cho hay đã trải qua những khoảnh khắc đáng nhớ, đáng quên mà không nghề nào có được.

"Tôi nhớ nhất là chuyến xe đầu tiên trong sự nghiệp làm tài xế xe cứu thương. Đêm đó đã 2h sáng rồi, có bệnh nhân tử vong, gia đình nhờ chở về, người thân sẽ đi xe máy theo sau. Tôi sợ, cũng chần chừ lắm nhưng do người ta năn nỉ quá nên đành đồng ý", Hùng nhớ lại.

Trong suốt quãng đường từ bệnh viện về nhà, dù trên xe có điều hòa nhưng Hùng đổ mồ hôi không ngừng. "Lỡ lúc đó đột ngột bệnh nhân bật dậy, chắc tôi… ngất luôn", anh nói đùa.

Sau chuyến đi đó, tài xế Hùng bỗng dưng không còn sợ cảnh chết chóc, đau thương nữa mà nhận ra trọng trách của mình. Hơn hết, anh Hùng cũng cảm nhận được, lái xe cứu thương là một công việc ý nghĩa, thiêng liêng.

Nghề 2h sáng phải đi cùng… thi thể sau lưng - 2

Tính thương người là tố chất quan trọng để tài xế xe cứu thương trụ với nghề (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nam tài xế chia sẻ, đây là công việc không phải ai cũng làm được. Một tài xế xe cứu thương vất vả hơn rất nhiều so với tài xế khác. Đồng hành nơi phòng cấp cứu, người tài xế luôn phải trong tư thế sẵn sàng trong ca trực, dù đang ăn cơm cũng phải lập tức bỏ chén xuống để chạy đi đưa đón bệnh nhân.

Bản thân anh còn chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa, hành trình đến với sự sống hay cái chết đều cơ cực. Anh Hùng không thể quên được những khoảnh khắc phải quấn người đã mất bằng sợi dây, rồi kéo qua sông để đưa về nhà khâm liệm.

"Trên xe cấp cứu, nhanh 1 giây cũng là nhanh. Sớm 1 giây cũng có thể cứu được người, nên có thể nói tài xế phải tập trung đưa đón bệnh nhân thật kịp lúc", anh Hùng bộc bạch.

Hơn nữa, đây là công việc chỉ dành cho người chịu được… cô độc. Lịch làm việc dày đặc, đôi lúc anh Hùng quay cuồng với công việc liên tục hơn 30 giờ đồng hồ. Thời gian làm việc không ổn định, việc gặp gỡ, kết duyên với ai đó cũng là chuyện khó khăn.

"Đa số những đồng nghiệp tôi quen biết đều chưa có gia đình hoặc đã ly hôn. Công việc này đòi hỏi người tài xế chịu nhiều áp lực, chưa kể phải thật sự kiên nhẫn bởi những tình huống oái oăm trên đường", anh Hùng nói.

"Nghề phải thương người lắm mới làm được"

Trong suốt 6 năm làm nghề, tài xế Hùng không thể quên được những lần chạm mặt với người đi đường "khó hiểu".

Lần gần đây nhất, anh Hùng chính là tài xế có mặt trên chuyến xe cấp cứu ở TP Trà Vinh. Đây là chuyến xe cấp cứu bị một thanh niên địa phương cản trở, dùng đá đập vỡ cửa kính, khiến tài xế bị thương.

Nghề 2h sáng phải đi cùng… thi thể sau lưng - 3

Nam thanh niên đập vỡ kính xe cứu thương vì bị hú còi (Ảnh cắt từ clip: Nhân vật cung cấp).

Theo anh Hùng, những sự cố kiểu này không phải là chuyện hiếm. Anh từng phải đối phó với những người sẵn sàng tạt đầu, không nhường đường, thậm chí thách thức, chửi bới tài xế xe cấp cứu, kể cả khi có bệnh nhân hấp hối trên xe.

"Những lúc như vậy tôi càng phải nhịn, bởi nóng giận cũng không được gì. Chỉ lo và cố làm sao đưa bệnh nhân đến viện thật nhanh", anh Hùng trải lòng.

Trước đây, anh Hùng từng làm trong lĩnh vực thẩm mỹ, thu nhập hơn 50 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không thấy hạnh phúc vì những điều "khó nói" mà nghề mang lại.

Không lâu sau, anh bỏ việc, xin làm việc tại nhà xác của một bệnh viện nổi tiếng tại TPHCM.

Được giao nhiệm vụ làm tài xế xe cấp cứu, anh Hùng có thu nhập 12 triệu đồng/tháng, đủ để trang trải cuộc sống. Đôi lúc, chở những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, tài xế Hùng còn trích tiền túi ra để tặng ngược lại người nhà bệnh nhân.

Dù công việc áp lực, mệt mỏi nhưng vì tính thương người nên anh yêu nghề từ khi nào không hay. Ngoài việc làm tài xế, anh còn phụ trách thêm việc trang điểm cho người mất.

Nghề 2h sáng phải đi cùng… thi thể sau lưng - 4

Đồng hành với các bác sĩ, nhân viên y tế, tài xế xe cấp cứu cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc cứu sống bệnh nhân (Ảnh: Hoàng Lê).

"Nói sợ thì có đó, nhưng chỉ là lúc đầu thôi. Nghề này phải thương người dữ lắm mới làm được. Bản thân thường xuyên tiếp xúc với thi thể, nên lúc nào tôi cũng tôn trọng những người đã mất", anh Hùng tâm niệm.

*Tên nhân vật đã được thay đổi