Khách vừa bóp vừa nặn, chủ bán cả trăm con vịt ngày Tết Đoan Ngọ
(Dân trí) - Vịt được bán "quạ", giá từ 100.000 đồng đến 130.000 đồng/con tùy loại. Khách vừa bóp lườn, lưng vịt để đánh giá béo, gầy trước khi mua.
Thịt vịt là món không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ tại nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt, loại thực phẩm này được cho là mát, giúp giải nhiệt trong thời tiết nắng nóng ở nơi được mệnh danh là "chảo lửa" này.
Từ sáng sớm, các chợ quê ở nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An đã tấp nập người bán, kẻ mua vịt. Vịt được người bán nhốt trong các lồng sắt hay dựng lưới quây tạm bên lề đường, góc chợ để thuận tiện cho khách chọn lựa.
Anh Cao Văn Hiến (trú xã Nghi Kim, thành phố Vinh, Nghệ An) nuôi hơn 700 con vịt bầu. Từ 3 ngày nay, anh Hiến đã tiêu thụ khoảng 500 con, còn 200 con dự kiến sẽ bán hết trong hôm nay (22/6). Khoảng hơn một giờ đồng hồ, người đàn ông này đã bán được 70 con với giá 130.000 đồng/con.
Theo ghi nhận, vịt trắng có trọng lượng 2-2,5kg/con, lớn hơn vịt bầu nhưng có giá rẻ hơn, 100.000 đồng/con.
Điều đặc biệt là vịt không được bán theo cân mà bán theo con. Người mua thường dựa vào kinh nghiệm để đánh giá vịt ngon, nhiều thịt bằng cách sờ, bóp vào lưng và lườn vịt.
"Lưng, lườn vịt mềm nhưng ấn vào cảm thấy chắc tay thì con vịt đó nhiều thịt và nạc, không bị béo quá", chị Hoa (trú xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), chia sẻ.
Khách cũng sẽ ước lượng cân nặng của vịt bằng cách cầm hai con hai tay nâng lên đặt xuống để so sánh.
Anh Võ Văn Kiên (trú xóm Hưng Thịnh, xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) có 1.500 con vịt thịt. Dự kiến trong ngày hôm nay anh bán khoảng 300 con vịt cho khách lẻ, giá 100.000 đồng/con.
"Sau Tết Đoan Ngọ, gần 1.000 con sẽ được bán cho khách buôn. Vì bán sỉ nên giá thấp hơn, 80.000 đồng/con", anh Kiên cho hay.
Ở một số huyện thuộc tỉnh Nghệ An, Tết Đoan Ngọ còn là dịp để con rể "đi Tết nhà ngoại". Ngoài két bia hoặc chai rượu, không thể thiếu một cặp vịt để biếu ông bà ngoại và các cậu.
"Không biết Tết ngoại có liên quan gì đến Tết Đoan Ngọ nhưng thường dịp này, việc thu hoạch lúa vụ Xuân đã xong, gieo cấy vụ hè thu cũng đã ổn, cả gia đình chở nhau về ngoại làm mâm cơm ăn với nhau cho vui", ông Hoàng Nghĩa Minh (trú xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) nói.
Theo quan niệm dân gian, thịt vịt có tính hàn, phù hợp với thời tiết oi nóng của miền Trung trong quãng tháng 5, tháng 6 âm lịch hàng năm. Vịt sẽ được chế biến thành nhiều món như luộc, hấp, xáo măng, ăn cùng bún hoặc bánh mướt (bánh cuốn) và tiết canh vịt - món khoái khẩu không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ tại nhiều gia đình ở Nghệ An.
Cùng với thịt vịt, người dân mua hương hoa, quả về thắp hương mong khỏe mạnh.
"Trước đây, việc thắp hương, ăn uống phải thực hiện vào giờ Ngọ, quãng 11h đến 13h ngày 5/5. Ngày nay thì khác, người dân không còn nặng nề chuyện cúng bái mà đơn giản chỉ là dịp để gia đình tụ họp, quây quần cùng nhau ăn bữa cơm nên nhiều nhà sẽ làm vào chiều tối, thuận tiện cho công việc của các thành viên trong gia đình", ông Bình (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết.