Ngày làm thợ hồ, tối đi học nghề, anh nông dân đất võ đổi đời

Doãn Công

(Dân trí) - Ngày làm thợ hồ, tối đến anh Nguyễn Văn Đen (44 tuổi, ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định) đăng ký học các lớp nghề chăn nuôi thú y rồi áp dụng vào việc chăn nuôi của gia đình.

Anh Nguyễn Văn Đen xuất thân là một thợ hồ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn khi kinh tế gia đình chỉ dựa vào trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ. Năm 2002, anh vừa đi làm thợ hồ vừa bỏ vốn đầu tư nuôi gà thịt tăng thu nhập thêm.

Tuy vậy, do thiếu kinh nghiệm nuôi nên khi xảy ra dịch bệnh, gần 2.000 con gà của gia đình anh Đen chết gần hết. 

Ngày làm thợ hồ, tối đi học nghề, anh nông dân đất võ đổi đời - 1

Anh Nguyễn Văn Đen vừa đi làm thợ hồ vừa đi học nghề để khởi nghiệp nuôi gà thịt cho hiệu quả khá (Ảnh: Doãn Công).

"Số tiền dành dụm từ làm thợ hồ bỗng chốc tiêu tan, tôi chỉ còn biết nhìn đàn gà mà khóc. Sau lần đó, tôi bắt đầu theo học các lớp nghề chăn nuôi do Hội Nông dân xã mở. Ngày làm thợ hồ, tối về tranh thủ thời gian đi học, dần dần quen nghề rồi bỏ làm thợ hồ", anh Đen kể.

Theo anh Đen, việc học kiến thức ở các lớp nghề giúp ích cho anh rất nhiều khi áp dụng vào thực tế nuôi gà, heo của gia đình.

"Tôi vừa học lý thuyết, thực hành của thầy giáo, vừa đúc kết kinh nghiệm trong quá trình nuôi. Hiện tại, gà bị dịch bệnh chết tôi tự mổ ra kiểm tra, biết được bệnh để có hướng điều trị", anh Đen cho hay.

Theo anh Đen, bí quyết để nuôi gà đạt hiệu quả cao thì việc chọn giống gà là một yếu tố quan trọng. Vì vậy, anh chọn giống gà Minh Dư, đây là giống gà địa phương có chất lượng thịt ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Gà của công ty được nuôi khép kín, tiêm phòng đầy đủ, có trọng lượng khá đồng đều, khi xuất bán giá trị cao hơn.

Ngày làm thợ hồ, tối đi học nghề, anh nông dân đất võ đổi đời - 2

Theo anh Đen, giống gà là một trong những yếu tố quan trọng của sự thành công (Ảnh: Doãn Công).

Trước tình hình giá cám công nghiệp tăng cao, để tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, anh Đen đầu tư 15 triệu đồng mua một máy chế biến cám viên cho gà.

Anh Đen chia sẻ, loại cám viên tự chế tận dụng được nguồn thực phẩm sẵn có tại địa phương như cám gạo, lúa, bắp (ngô), đậu đỗ các loại và một số thực phẩm có chất kháng sinh giúp tăng sức đề kháng hạn chế dịch bệnh…. Việc làm cám viên giúp anh tiết kiệm khoảng 40% chi phí thức ăn so với dùng hoàn toàn cám công nghiệp.

"Nếu nuôi 1.000 con gà đến lúc xuất bán khoảng 3 tháng, tiêu tốn khoảng 70-80 triệu đồng tiền cám công nghiệp, nhưng dùng cám viên tự chế chỉ mất khoảng 50-55 triệu đồng", anh Đen nói.

Hiện, trang trại của anh Đen đang nuôi 3.000 con gà thịt các lứa, mỗi năm xuất bán trên 10.000 con gà thịt.

"Tôi nuôi xoay vòng khoảng 1-1,5 tháng là xuất bán 1 lứa 1.000 con (từ 2,1 đến 2,3 tấn), với giá hiện tại 55.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi 20-25 triệu đồng. Tôi nuôi nhỏ lẻ, số lượng không nhiều nhưng với cách nuôi này cho hiệu quả khá hơn", anh Đen nói thêm.

Ngoài nuôi gà, gia đình anh Đen còn đầu tư vào sản xuất lúa nước, chăn nuôi heo sinh sản theo hướng gia trại, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ngày làm thợ hồ, tối đi học nghề, anh nông dân đất võ đổi đời - 3

Anh Đen tự mua máy ép cám viên tự chế giúp giảm chi phí đến 30-40% so với dùng cám công nghiệp như trước đây (Ảnh: Doãn Công).

Từ năm 2021 đến nay, gia đình anh Đen đã đạt lợi nhuận 350-500 triệu đồng/năm. Không chỉ tạo ra thu nhập ổn định cho gia đình, còn tạo việc làm cho 3 lao động địa phương với mức lương ổn định 4-5 triệu đồng/người/tháng và hướng dẫn nhiều hộ dân khác biết cách thức làm ăn hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Sơn, cho biết: "Anh Nguyễn Văn Đen là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại xã Phước Sơn.

Không chỉ thành công trong phát triển kinh tế hộ gia đình, anh còn tích cực đóng góp cho phong trào và công tác xã hội địa phương. Đồng thời, anh cũng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, giúp nhiều hộ gia đình cùng phát triển kinh tế".