Ngày cuối năm với người lái tàu có 18 lần đón giao thừa nơi đất khách

Xuân Hinh Nam Thái

(Dân trí) - Hơn 20 năm làm nghề lái tàu, trong đó có 18 năm anh Thọ đón giao thừa nơi xa xứ. Nỗi buồn, nỗi nhớ nhà dịp Tết được anh tạm quên đi để hoàn thành nhiệm vụ đưa người dân kịp về quê đón Tết.

Anh lái tàu gần 20 năm đón giao thừa nơi đất khách, chở Tết đi muôn nơi

Nghề nhiều áp lực

Ngày cuối năm với người lái tàu có 18 lần đón giao thừa nơi đất khách - 1

Anh Nguyễn Lộc Thọ khá buồn vì năm nay ngành đường sắt gặp nhiều khó khăn. 

Những ngày cuối năm, ga Sài Gòn vắng vẻ lạ thường vì dịch Covid-19. Nhiều hành khách đã đổi, trả vé về quê năm nay khiến ngành đường sắt gặp khá nhiều khó khăn.

Nỗi buồn hiện rõ trên gương mặt những người phục vụ trong ngành đường sắt TPHCM. Tuy vậy, công tác phục vụ người dân vẫn được đảm bảo và tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch Covid-19.

Ngày cuối năm với người lái tàu có 18 lần đón giao thừa nơi đất khách - 2

Tuy vậy, anh luôn đặt mục tiêu phục vụ khách hàng lên hàng đầu. 

Ngày cuối năm với người lái tàu có 18 lần đón giao thừa nơi đất khách - 3

Anh Thọ cho biết khá đam mê với công việc lái tàu dù nghề này nhiều khó khăn. 

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Lộc Thọ (43 tuổi, ngụ TPHCM) cho biết công tác chuẩn bị phải thật kỹ để tàu không gặp sự cố khi chở khách. Anh đã làm công việc lái tàu hơn 20 năm và chưa khi nào lơ là công tác chuẩn bị trước khi tàu chạy.

Với anh, lái tàu là công việc chịu nhiều áp lực nhưng cũng đáng để tự hào. Để trở thành lái tàu thì phải có thời gian làm lái phụ khoảng 4 năm. Trong quá trình lái phụ không được để xảy ra sai sót, sự cố. 

Ngày cuối năm với người lái tàu có 18 lần đón giao thừa nơi đất khách - 4

Mức thu nhập của người lái tàu cũng không cao. 

"Năm 1999, tôi đến với nghề lái tàu. Người lái tàu ngoài trình độ chuyên môn thì phải có đam mê với công việc và yêu thích đi đây đi đó. Nghề này rất cực nhưng thu nhập chỉ đủ ăn nên không đam mê với nghề thì sẽ không trụ nổi", anh Thọ tâm sự. 

Anh Thọ cho biết, mức lương của lái tàu hiện tại khoảng 10 - 11 triệu đồng/tháng, phụ lái tàu khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, năm nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên mức lương của lái tàu đã giảm xuống còn 6- 7 triệu đồng/tháng, phụ lái tàu còn 4 - 5 triệu đồng/tháng. 

Ngày cuối năm với người lái tàu có 18 lần đón giao thừa nơi đất khách - 5

Trước mỗi chuyến đi, anh Thọ đều phải kiểm tra kỹ từng chi tiết của tàu. 

Theo anh Thọ, lương của anh em lái tàu tính theo chuyến. Do mùa dịch Covid-19 nên lượng khách đi tàu giảm, số chuyển ít đi nên lương của anh em giảm theo. Nhiều lái tàu mùa dịch đã nghỉ ở nhà để đi làm xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập.

"Đôi lúc tiền lương làm mình ái ngại và từng có suy nghĩ chuyển nghề nhưng vì bản thân còn đam mê nghề quá nên không nghỉ được. Mình yêu nghề lái tàu này và cảm giác ngồi sau tay lái đưa người dân an toàn về quê là cảm giác không phải ai cũng có được", anh Thọ chia sẻ. 

Ngày cuối năm với người lái tàu có 18 lần đón giao thừa nơi đất khách - 6

Nếu không có niềm đam mê với nghề, ít ai có thể trụ được với nghề lái tàu. 

Theo anh Thọ, khó khăn nhất của nghề lái tàu là ăn, ngủ không theo đúng chế độ khoa học. Khi hành khách ngủ thì các tài xế phải thức. Việc lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm là đặc thù của công việc. Cùng với đó, áp lực khi tham gia giao thông cũng khiến nhiều anh em lái tàu chịu áp lực với công việc.

Ngày cuối năm với người lái tàu có 18 lần đón giao thừa nơi đất khách - 7

"Ý thức tham gia của nhiều người dân chưa tốt. Nhiều người cố gắng vượt qua đường sắt khi tàu gần đến gây nguy hiểm tính mạng cho chính họ và hàng trăm hành khách trên tàu. Đoàn tàu rất nặng và di chuyển với tốc độ cao nên khi có những sự cố do ý thức của người dân chưa tốt thì rất dễ xảy ra tai nạn, gây thiệt hại nặng nề", anh Thọ chia sẻ thêm. 

Ngày cuối năm với người lái tàu có 18 lần đón giao thừa nơi đất khách - 8

Máy cũng được khởi động và chạy thử trước khi rời ga. 

18 năm đón giao thừa xa gia đình

Ngày cuối năm với người lái tàu có 18 lần đón giao thừa nơi đất khách - 9

Việc đón giao thừa trên buồng lái đã trở thành thói quen của anh Thọ. 

Với 21 năm làm nghề lái tàu, anh Thọ đã năm 18 đón giao thừa trên buồng lái. Năm nay, anh cũng được nhận nhiệm vụ lái tàu xuyên Tết từ Nam ra Bắc. Trước Tết, anh đã dành chút thời gian ít ỏi để chuẩn bị Tết cho gia đình, mua sắm cho vợ con những món đồ cần thiết. Do hiểu công việc của chồng nên vợ, con anh cũng vui vẻ chấp nhận.

"Đầu tiên khi mình chọn công việc lái tàu tôi không nghĩ sẽ phải thường xuyên đón Tết xa nhà. Tuy vậy, khi bắt đầu làm việc mới biết ngày Tết lái tàu phải làm việc gấp 2, 3 lần ngày thường. Thường tôi sẽ lái tàu từ 30 Tết đến mùng 3 Tết mới trở về ăn Tết cùng gia đình", anh Thọ Tâm sự. 

Những giờ phút giao thừa, anh Thọ luôn có những cảm giác bồi hồi, không thể diễn tả. Nỗi buồn, nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, vợ con luôn hiện hữu. Không ít lần anh Thọ cũng phải gạt nước mắt để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Ngày cuối năm với người lái tàu có 18 lần đón giao thừa nơi đất khách - 10

Mỗi cung đường luôn cho anh Thọ một niềm vui để đam mê với nghề. 

"Ai ở trong hoàn cảnh như anh em lái tàu cũng buồn và nhớ nhà thôi. Tuy vậy, khi nhìn thấy hành khách đến nơi an toàn và vui vẻ về nhà đón Tết là mình cũng vui theo. Giờ việc đón Tết xa nhà đã là một thói quen với tôi và tôi nhận ra việc được phục vụ người dân về quê cũng là một niềm vui khi đón Tết", anh Thọ cho hay. 

Ngày cuối năm với người lái tàu có 18 lần đón giao thừa nơi đất khách - 11

Tết với anh là đưa được nhiều người dân về đoàn tụ cùng gia đình. 

Anh Thọ cho biết, mỗi dịp Tết, đơn vị đều thăm hỏi, chúc Tết và tặng quà anh em trong đơn vị. Những lái tàu phải trực tiếp đón giao thừa trên tàu cũng luôn được quan tâm. 

"Đêm giao thừa, lãnh đạo lúc nào cũng gọi chúc Tết đến từng anh em lái tàu khi đang làm nhiệm vụ chạy những chuyến tàu trong đêm 30 Tết. Điều đó làm anh em cảm thấy rất ấm áp khi đang đi trên đường và là món quà Tết ý nghĩa mà không phải ai cũng có được", anh Thọ chia sẻ. 

Ngày cuối năm với người lái tàu có 18 lần đón giao thừa nơi đất khách - 12

Được sự quan tâm của lãnh đạo nên những chuyến đi của những người lái tàu như anh Thọ không còn cô đơn. 

Để mừng năm mới, mỗi khi đến thời khắc giao thừa, anh em lái tàu sẽ kéo một hồi còi dài. Tiếng còi trên tàu cũng như tiếng pháo hoa mừng năm mới và là lời chúc năm mới an khang của anh em lái tàu gửi đến tất cả người dân cả nước. Sau giờ phút giao thừa, anh em lái tàu cũng thay một bộ đồ mới để mong năm mới mọi sự hanh thông, an bình và hạnh phúc. 

Ngày cuối năm với người lái tàu có 18 lần đón giao thừa nơi đất khách - 13