Ngành "sang chảnh" cần hàng chục ngàn nhân lực, đào tạo không kịp nhu cầu
(Dân trí) - Dự báo đến năm 2025, ngành hàng không cần tới 58.000 nhân sự. Yêu cầu đặt ra là phải tăng tốc đào tạo trong lĩnh vực này mới bắt kịp thực tế.
Đó là những thông tin PGS.TS Trần Hoài An - Chủ tịch Hội đồng Học viện Hàng không Việt Nam - nêu tại chuỗi hội thảo khoa học quốc tế và triển lãm ngành hàng không tại TPHCM, ngày 11/10.
Ông An cho biết, ngành hàng không dân dụng Việt Nam hiện có khoảng 44.000 nhân lực ở ba nhóm 3 lĩnh vực chính gồm khai thác vận tải, khai thác cảng và đảm bảo hoạt động bay.
Dự báo đến năm 2025, nhân lực trong ngành sẽ đạt hơn 58.000 người. Trong đó khối hành chính sự nghiệp tăng 2-3%/năm, khối các doanh nghiệp hàng không tăng 4-5%/năm, khối các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không và phi hàng không khác tăng 4-5%/năm.
TS Nguyễn Thị Hải Hằng - Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam - nhìn nhận, sau thời điểm dịch bệnh, nhân lực ngành hàng không rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng với số lượng lớn nhân viên nghỉ việc do tính chất vất vả, nguy hiểm của nghề nghiệp.
Tình trạng này khiến các cảng hàng không, sân bay lớn trên toàn cầu, hãng hàng không lớn của thế giới cũng rơi vào khó khăn.
Trước nhu cầu phát triển của các sân bay, nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển trong lĩnh vực này, theo bà Hằng, đang đứng trước nhiều thách thức.
"Dự báo, sinh viên chính quy của trường tốt nghiệp ngành liên quan đến hoạt động bay không thể đủ để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam", bà Hằng thông tin.
Giám đốc Học viện Hàng không cho biết, để đáp ứng nguồn nhân lực, cần mở rộng quy mô đào tạo trong lĩnh vực này. Bên cạnh chương trình chính quy cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm, phối hợp với doanh nghiệp quản lý bay để tuyển sinh thêm.
Trong những năm tới, Học viện Hàng không Việt Nam sẽ tăng dần lượng tuyển sinh đào tạo từ 2.500 sinh viên mỗi năm như hiện nay lên dần đến 3.500 sinh viên vào năm 2025-2026. Dự kiến, mỗi năm sẽ cung cấp cho ngành từ 3.000 đến 4.000 lao động trình độ từ cao đẳng đến sau đại học.
Ngoài ra, đơn vị này tiếp tục đào tạo và cung cấp hàng ngàn nhân viên hàng không trình độ trung và sơ cấp về an ninh hàng không, quản lý không lưu.
Theo các chuyên gia trong ngành, dự kiến đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 30 cảng hàng không, đòi hỏi nguồn nhân lực phải phát triển với tốc độ nhanh để đáp ứng nhu cầu. Không chỉ số lượng, lĩnh vực này ngày càng đặt ra yêu cầu khắt khe về chất lượng nguồn nhân lực.
Bên cạnh vấn đề nhân lực, bình đẳng giới trong ngành hàng không là một trong những nội dung nằm trong chiến lược phát triển bền vững được ông Nguyễn Phước Thắng - Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Môi trường, Cục Hàng không Việt Nam - nhấn mạnh tại hội thảo.
Ông Thắng cho hay, tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đóng góp cho mục tiêu bình đẳng giới bằng cách thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và tăng cường sự hiện diện của họ ở tất cả các vị trí chuyên môn và các chức vụ công tác cao trong ngành hàng không toàn cầu.
Tổ chức này đảm bảo việc tạo điều kiện cho nữ giới làm việc trong ngành hàng không, đảm nhận các vị trí chuyên môn ngay tại ICAO.
Ngoài ra, ICAO cũng làm việc với các quốc gia thành viên, các đối tác trong ngành hàng không, các hiệp hội nghề nghiệp, học viện... về các chương trình và dự án, để mời các thanh thiếu niên nữ tham gia ngành hàng không vũ trụ.