Ngành logictics tại Việt Nam “khát” nhân lực chất lượng cao

Logistic (nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, đóng gói bao bì…) là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, trên thực tế ngành kinh doanh này vẫn chưa thực sự được tạo điều kiện để phát triển.

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cả nước có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ logistics (70% có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh), trong đó 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động tích cực; 89% doanh nghiệp 100% vốn trong nước, còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Từ nay tới năm 2025, tổng số nhân lực cần cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành logistic là khoảng 1,2 triệu người
Từ nay tới năm 2025, tổng số nhân lực cần cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành logistic là khoảng 1,2 triệu người

Tại hội thảo “Đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực về logictics” do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho biết: “Logistic là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, góp phần gia tăng giá trị hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của thương mại và nền kinh tế”.

“Phát triển dịch vụ logistic thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistic phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước", ông Hiệp mong muốn.

Theo Quyết định 200/QĐ/TTg, một số mục tiêu phát triển cụ thể của ngành logistics đến năm 2025 như sau: Tốc độ tăng trưởng 15-20% (16% năm); Tỷ trọng góp vào GDP 8-10% (3% 2014); Tỷ lệ thuê ngoài 50-60% (35-40%); Chi phí logistics tương đương 16-20% (21%); Xếp hạng chỉ số năng lực quốc gia (LPI): 50 trở lên (2016 = 64).

Về vấn đề nhân lực, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, giai đoạn 2017-2020, ngành logistics Việt Nam cần thêm khoảng 20.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn. Đến năm 2030, số lượng người lao động mới cần thêm trong ngành logistics lên tới 200.000 lao động trình độ cao, đáp ứng đủ các yêu cầu về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh.

Đến năm 2025, ngành logistic cần khoảng 300.000 nhân viên chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, ICT, tiếng Anh mới đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tính chung, tổng số nhân lực cần cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành logistic là khoảng 1,2 triệu người.

“Nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành logistics tương đối lớn vì theo khảo sát ở 108 doanh nghiệp VLA vào tháng 9/2017, có đến 40,6% công ty có nhu cầu tuyển dụng thêm từ 10 - 50 nhân viên trong thời gian tới. 63% đã tuyển dụng nhân viên từ Đại học Giao thông vận tải (TP. Hồ Chí Minh), sau đó là Đại học Ngoại thương và Đại học Kinh tế” - ông Nguyễn Tương chia sẻ.

Được biết, tại Việt Nam hiện có 3 hình thức đào tạo logistics, đó là: tại các cơ sở đào tạo bậc đại học/sau đại học và nghề, tại các Hiệp hội, và tại chính các doanh nghiệp. Theo khảo sát sơ bộ, Việt Nam hiện có khoảng 15 cơ sở đào tạo về chuyên ngành logistics hoặc gần chuyên ngành logistics ở cấp đại học/sau đại học và cơ sở dạy nghề về logistics.

Tuy nhiên, lực lượng giảng viên hiện nay còn thiếu và mỏng, chủ yếu chuyển từ các chuyên ngành khác sang, kiến thức thực tế còn chưa nhiều.

Bên cạnh đó, trình độ tiếng Anh nghiệp vụ logistics còn hạn chế, chỉ khoảng 4% nhân lực thông thạo tiếng Anh nghiệp vụ. 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên. Ngoài ra, lực lượng giảng viên còn thiếu và mỏng, chủ yếu chuyển từ các chuyên ngành khác sang, kiến thức thực tế còn chưa nhiều.

Theo các chuyên gia, yêu cầu đặt ra lúc này là cần xây dựng và củng cố cơ chế hợp tác giữa các Bộ ngành liên quan về đào tạo logistics.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo (đại học, sau đại học, nghề) về logistics và nghiên cứu. Tiếp tục xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo ngắn hạn và các hoạt động hỗ trợ liên quan.

Đặc biệt, từ việc nghiên cứu các mô hình đào tạo logistics, cần rút ra được những bài học kinh nghiệm cần thiết trong việc xây dựng hoặc đề xuất xây dựng mô hình mới, đảm bảo tính hiệu quả trong việc đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc tăng cường phối hợp giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo cũng là yếu tố quan trọng.

“Để đảm nhận được trọng trách của ngành logistics và đạt mục tiêu của Quyết định 200, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa DN XNK và các nhà cung cấp dịch vụ logistics. Các nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam phải liên kết với nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời liên doanh liên kết với DN logistics nước ngoài để nâng cao khả năng về công nghệ, quản lý và tìm được nguồn hàng từ nước ngoài. Ngoài ra, cũng cần chú trọng đào tạo nâng cao trình độ cán bộ cho ngành logistics.”, ông Tương nhấn manh.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp