Nhân lực y tế cho 5 chuyên ngành hiếm ở ĐBSCL đang thiếu trầm trọng

Trong thời gian tới, ĐBSCL sẽ tập trung đào tạo nhân lực y tế cho 5 chuyên ngành hiếm là: Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y, và Giải phẫu bệnh.

Đây là vấn đề được lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL đề xuất tại Hội nghị đào tạo nhân lực y tế khu vực ĐBSCL vừa diễn ra tại Cần Thơ.

Theo báo cáo tại Hội nghị đào tạo nhân lực y tế khu vực ĐBSCL, toàn vùng chỉ có 152 bác sĩ đang làm việc tại 5 chuyên ngành hiếm: Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y, và Giải phẫu bệnh. Điều đáng nói, có nhiều địa phương không có bác sĩ chuyên ngành Lao và chuyên ngành Giải phẫu bệnh. Theo dự báo đến năm 2020 có hơn 50% số bác sĩ đang công tác trong lĩnh vực này đến tuổi nghỉ hưu càng gây khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân trong vùng.

Nhiều chuyên ngành Y tại ĐBSCL hiện đang thiếu lượng lớn bác sỹ.
Nhiều chuyên ngành Y tại ĐBSCL hiện đang thiếu lượng lớn bác sỹ.

Trước thực trạng trên, nhiều đại biểu đã đề xuất từ đây đến năm 2020, tập trung đào tạo nguồn nhân lực y tế cho 5 chuyên ngành hiếm này, với quy mô là 250 bác sĩ/năm.

Theo ông Võ Trọng Hữu – Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ cho biết, qua khảo sát các tỉnh, đến năm 2020 nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực y tế trong vùng cho 5 chuyên ngành hiếm là rất lớn, xuất phát từ nhu cầu trên Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Trường Đại học Y dược Cần Thơ đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo , Bộ y tế để được giao chỉ tiêu đào tạo cho 5 chuyên ngành này. Đây là nguồn nhân lực rất quan trọng cho các tỉnh trong 4 đến 5 năm tới, để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trong vùng.

"5 ngành hiếm này dần dần không có người theo học. Đồng thời, đến năm 2020 có hơn 50% số lượng bác sĩ trong năm chuyên ngành đến tuổi về hưu. Xuất phát từ tình hình đó, chúng ta cũng đề nghị, làm việc quyết liệt. Nếu xét năm 2017, thêm 150 chỉ tiêu nữa thì 03 năm sau sẽ đào tạo được đạt 35,91% so với yêu cầu của 13 tỉnh, thành đến năm 2020 về 5 ngành hiếm này".

Theo VTV.VN