“Ngậm quả đắng” vì mượn tên đi làm, tham gia BHXH
Nhiều công nhân mượn hồ sơ của người quen để đi làm, tham gia BHXH với tên trên hồ sơ mà không lường hết hậu quả về sau. Nhiều người “ngậm quả đắng”, chịu thiệt thòi hoặc chấp nhận mất trắng các quyền lợi, chế độ liên quan đến BHXH.
Chia một nửa tiền thai sản cho người được mượn tên
Cách đây 10 năm, chị Trần Mai H (quê Cà Mau) mượn hồ sơ của một người bạn cùng quê để đi xin việc vào một Cty ở KCX Linh Trung I.
Nói về lý do mượn hồ sơ, chị H cho biết: “Lúc đó vì ngại mấy ngày đi đường về quê, làm hồ sơ lâu, sợ Cty tuyển đủ người nên tôi mượn hồ sơ của người em họ để đi làm. Chắc do số lượng CN đông nên Cty cũng không để ý, nhận tôi vào làm.
Cty tham gia BHXH cho tôi với tên của người em họ. Rắc rối phát sinh khi tôi sinh em bé, khi khai nhận chế độ thai sản vì tên mẹ trên giấy khai sinh và tên trên hồ sơ BHXH khác nhau”.
Để giải quyết, chị và người cho mượn hồ sơ phải làm thủ tục điều chỉnh. Lúc này người cho mượn tên gây khó dễ, không hợp tác. Chị H phải chia một nửa tiền thai sản thì người cho mượn tên mới đồng ý làm.
Chị H thở dài: “Mất một nửa tiền đã đành, còn so sánh về chi phí về quê làm lại giấy xác nhận, điều chỉnh hồ sơ BHXH so với lần về quê làm hồ sơ xin việc cao gấp mấy lần”.
Chị Mai H vẫn còn may mắn khi chỉ phải chia một nửa tiền trợ cấp thai sản cho người cho mượn tên, trong khi anh Võ Quốc T (quê Hà Tĩnh), làm việc tại KCN Tân Bình (TPHCM), còn khốn đốn hơn khi người cho mượn hồ sơ chuyển đi nơi khác sinh sống.
Anh T nói: “Tôi nghỉ việc, muốn nhận trợ cấp một lần. Tôi phải dò la tin tức hai tháng trời mới tìm được người cho mượn tên. Sau đó, lấy lý do bận đi làm, về quê, bị ốm nên người này không giúp tôi điều chỉnh hồ sơ được. Chỉ đến khi tôi thỏa thuận sẽ trả một số tiền thì người đó mới đồng ý hỗ trợ”.
Tại Cty TNHH PouYuen Việt Nam, ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch CĐ Cty - chia sẻ: “Nhiều năm qua, CĐ phải hỗ trợ rất nhiều trường hợp CN điều chỉnh hồ sơ BHXH vì mượn tên đi làm. Có những trường hợp CN mất, giải quyết chế độ tử tuất mà người cho mượn tên đòi chi phí cao, CĐ phải đứng ra thương lượng với người cho mượn tên để giải quyết cho CN”.
Chỉ giải quyết cho các trường hợp “mượn tên” trước ngày 1.1.2015
Chấp nhận bỏ một năm tham gia BHXH và làm lại từ đầu, anh Nguyễn Văn T (quê Quảng Nam) đúc kết: “Chỉ vì sợ mất 1 tuần mà giờ tôi phải mất 1 năm”. Theo đó, giữa năm 2015, anh mượn hồ sơ của một người bạn để nộp đơn xin vào làm tại một Cty ở quận 12 (TPHCM).
Cuối năm 2016, anh xin nghỉ việc, khi đi nhận trợ cấp thất nghiệp, anh không được giải quyết. Nhờ người cho mượn tên đi làm thủ tục không được, anh quyết định bỏ.
“Thất nghiệp, không được trợ cấp lại mất luôn thời gian hơn 1 năm tham gia BHXH nhưng đó cũng là bài học cho mình” - anh T nói.
Theo bà Nguyễn Thị Thu - Phó Giám đốc BHXH TPHCM - việc mượn tên đi làm, người lao động sẽ không được giải quyết các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Cụ thể: Không được hưởng chế độ nghỉ sinh con vì tên người tham gia BHXH và tên người mẹ trên giấy khai sinh khác nhau; Không được hưởng chế độ hưu trí, BHXH 1 lần, BHTN do tên người tham gia ghi trên sổ BHXH và tên người đăng ký hưởng khác nhau.
Ngoài ra, người lao động nếu mượn tên người khác đi làm sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 1 Điều 27 Nghị định 95/2013/NĐ-CP này 22.8.2013 về hành vi vi phạm hành chính về kê khai không đúng sự thật để hưởng chế độ BHXH bắt buộc, BHTN, mức tiền phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng.
Về giải quyết các trường hợp người lao động mượn tên đi làm, tham gia BHXH sau đó muốn điều chỉnh, bà Thu cho biết: BHXH TPHCM đã có văn bản thông báo cho các đơn vị sử dụng lao động rà soát thông tin có phải của người lao động không khi lập thủ tục tăng mới đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN; Do đó các trường hợp phát sinh đề nghị điều chỉnh thông tin nhân thân do mượn hồ sơ từ 1.1.2015 trở đi thì cơ quan BHXH không tiếp nhận giải quyết.
“Hiện nay, cơ quan BHXH chỉ tiếp nhận giải quyết cho các trường hợp phát sinh trước ngày 1.1.2015. Hồ sơ giải quyết theo phiếu giao nhận hồ sơ 628, gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS, 1 bản/người); Giấy cam đoan của người cho mượn hồ sơ, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú (mẫu 02-GCĐ/SBH); Sổ BHXH, các trang tờ rời sổ, tờ khai tham gia BHXH cũ để thu hồi (nếu có)” - bà Thu nói.
Theo Báo Lao động