Nếu lương đủ sống, không người lao động nào muốn làm thêm
Qua tham vấn trực tiếp người lao động (NLĐ), nhóm hơn 30 tổ chức và cá nhân thuộc 6 mạng lưới/ nhóm làm việc vừa có bản khuyến nghị góp ý về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có vấn đề về lương và thời giờ làm việc.
Qua tham vấn trực tiếp người lao động (NLĐ), nhóm hơn 30 tổ chức và cá nhân thuộc 6 mạng lưới/ nhóm làm việc vừa có bản khuyến nghị góp ý về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có vấn đề về lương và thời giờ làm việc.
Quỹ thời gian làm thêm của NLĐ đang ở mức cao
Theo bản khuyến nghị này, thời gian qua, một số doanh nghiệp (DN) nêu ý kiến, giới hạn giờ làm thêm của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới nên cần phải nâng thời giờ làm thêm.
Tuy nhiên, bà Kim Thị Thu Hà - Giám đốc điều hành Trung tâm phát triển và Hội nhập (CDI) - cho biết, nghiên cứu chỉ ra rằng, hiện số quỹ giờ làm việc tiêu chuẩn của Việt Nam đã ở mức cao so với khu vực: 2.330 giờ/năm, nếu cộng thêm với thời giờ làm thêm là 400 giờ/năm sẽ khiến tổng quỹ thời gian làm việc trung bình của NLĐ Việt Nam có thể lên tới 2.720 giờ/năm.
Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng chỉ rõ, các DN ở Indonesia được phép huy động NLĐ làm thêm tới 728 giờ/năm, nhưng họ chỉ làm việc 40 giờ/tuần nên cộng cả thời gian làm việc tối đa và làm thêm tối đa, quỹ thời gian làm việc của NLĐ nước này là 2.608 giờ/năm (thấp hơn ở Việt Nam 112 giờ).
Tương tự, Hàn Quốc chỉ có 2.446 giờ/năm và Trung Quốc là 2.288 giờ/năm. Như vậy, có thể nói thực chất quỹ thời gian làm việc của NLĐ Việt Nam đang ở mức cao, nếu tăng giờ làm thêm là đi ngược với xu hướng “tăng lương giảm giờ làm” của thế giới.
Tăng giờ làm thêm cũng làm giảm cơ hội việc làm của nhiều NLĐ khác. Cụ thể, với việc sử dụng công nghệ 4.0, nhiều DN đã từng bước thay thế NLĐ bằng máy móc dẫn đến xu hướng NLĐ mất việc làm.
Nếu Việt Nam cho phép tăng số giờ làm tăng ca có thể dẫn đến việc các DN sử dụng một lực lượng lao động nhất định để vận hành máy móc, bao gồm cả tăng ca mà không tuyển thêm lao động để giảm chi phí.
Đề nghị giữ nguyên giới hạn giờ làm thêm trong năm
Ông Lê Đình Quảng - Phó Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐVN), Tổng LĐLĐVN - chỉ đồng ý mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm khi NLĐ được trả lương theo lũy tiến.
“Làm thêm giờ khiến NLĐ có nguy cơ tai nạn cao, ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt, chăm sóc gia đình, tình cảm gia đình… thì họ phải được hưởng lợi, đảm bảo cuộc sống cho họ. Việc tính lương theo lũy tiến cũng sẽ khiến DN cân nhắc phải cần thiết mới huy động làm thêm giờ. Làm thêm giờ bản chất là giải quyết những công việc phát sinh đột xuất ngoài kế hoạch sản xuất kinh doanh, chứ không phải tình trạng ngày nào, tháng nào cũng làm thêm giờ. Đấy là lợi dụng chính sách làm thêm giờ” - ông Quảng nói.
Bản khuyến nghị của nhóm hơn 30 tổ chức và cá nhân thuộc 6 mạng lưới/ nhóm làm việc cũng cho rằng, cần cân nhắc đến yếu tố sức khỏe của NLĐ về lâu dài khi điều chỉnh tăng khung giờ làm thêm hàng năm và bỏ giới hạn làm thêm giờ theo tháng.
Theo bà Kim Thị Thu Hà - Giám đốc điều hành Trung tâm phát triển và Hội nhập (CDI), tình trạng vi phạm giới hạn làm thêm giờ theo tháng rất phổ biến. Thông tin từ hoạt động tham vấn NLĐ cho thấy, CN thậm chí phải làm thêm 90 -100 giờ mỗi tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hàng ngày của NLĐ.
“Hiện nay, lương của NLĐ còn thấp nên để đảm bảo cuộc sống, họ không có cách nào khác là phải làm thêm giờ. Nếu lương đủ sống, không NLĐ nào lại muốn làm thêm giờ cả” - bà Hà nhấn mạnh.
Vì vậy, bản khuyến nghị đề xuất đưa thêm giới hạn 12 giờ làm thêm tối đa trong 1 tuần; giữ nguyên giới hạn số giờ làm thêm trong năm theo như quy định hiện hành bảo đảm tổng số giờ làm thêm của NLĐ không quá 200 giờ trong một năm. Trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm.
Thông tin từ bản khuyến nghị, báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Lao động 2012 cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật về tổ chức làm thêm quá số giờ quy định xảy ra phổ biến, nhất là các DN thâm dụng lao động (may mặc, giày da, chế biến thủy sản làm hàng xuất khẩu, lắp ráp linh kiện điện tử) và các DN trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Cụ thể, theo báo cáo thường niên của Better Work năm 2017: 77% DN vẫn không thực hiện được giới hạn tăng ca tháng và 72% DN không đáp ứng được giới hạn tăng ca năm; 44% DN không bố trí đủ ít nhất 4 ngày nghỉ hằng tuần một tháng cho NLĐ.
Theo Q.CHI/Báo Lao động