"Nếu bạn trẻ chọn ngành tôm công nghệ cao, tin chắc “đắt như tôm tươi”"
(Dân trí) - PGS.TS Từ Diệp Công Thành (Hiệu trưởng ĐH Bạc Liêu), cho rằng, tỉnh Bạc Liêu thuộc nhóm đi đầu về mảng nuôi tôm công nghệ cao. Nếu bạn trẻ chọn học ngành này, khi ra trường sẽ ...“đắt như tôm tươi”.
Tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành với thanh niên Bạc Liêu. Tham gia có hơn 300 đoàn viên, thanh niên ở các địa phương.
Một trong những vấn đề thanh niên Bạc Liêu quan tâm là tình trạng thất nghiệp còn nhiều đối với những cử nhân đại học, cao đẳng.
Do đó, nhiều bạn trẻ đề nghị các sở, ngành của tỉnh quan tâm định hướng ngành nghề như thế nào để có việc làm ổn định.
Ông Bùi Minh Túy, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Bạc Liêu, thừa nhận tình trạng sinh viên hiện nay ra trường thất nghiệp, thanh niên thiếu việc làm ổn định.
“Có một số nguyên nhân, do ban đầu gia đình và các học sinh chưa định hướng việc học tập của mình theo ngành nghề xã hội nhu cầu. Cho nên, chúng ta chọn sai ngành nghề hoặc có xu hướng theo bạn bè học những ngành nghề phù hợp ở thành phố phát triển, trong khi ở địa phương rất ít…”, ông Túy đánh giá.
Ông Bùi Minh Túy dẫn chứng, nhiều bạn trẻ muốn làm sao học xong về phục vụ ở các cơ quan nhà nước của địa phương. Tuy nhiên, đối với cán bộ, công chức, viên chức ở các đơn vị hành chính rất ít, bởi nhu cầu tuyển dụng có giới hạn.
Bên cạnh đó, nhiều cơ quan nhà nước đang có việc tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối, nên có nhiều sinh viên học để về công tác là rất khó. Trong khi đó, các công ty, doanh nghiệp lại đang rất cần lao động.
“Từ những nguyên nhân này, tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, hoặc làm trái ngành nghề còn nhiều”, ông Túy nhìn nhận.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, để hạn chế phần nào tình trạng thất nghiệp, tỉnh đã có kế hoạch: Phấn đấu có ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập trung tại trung cấp, ít nhất 30% học sinh tham gia học trình độ cao đẳng.
Ngoài ra, Bạc Liêu đang có thế mạnh phát triển kinh tế biển và được Trung ương hỗ trợ đào tạo 12 ngành nghề trọng điểm của quốc gia, như: Kỹ thuật máy lạnh - điều hòa không khí, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, công nghệ thông tin, chế biến và bảo quản thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và thú y, quản trị nhà hàng khách sạn,…
“Do đó, các học sinh, thanh niên có thể lựa chọn, sau khi học hết THPT sẽ được tỉnh quan tâm đào tạo các ngành nghề này và sau đó được tỉnh ưu tiên bố trí làm việc tại địa phương”, ông Túy nói.
Chia sẻ với thanh niên Bạc Liêu, PGS.TS Từ Diệp Công Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Bạc Liêu, nhận định thanh niên là lực lượng tiếp cận trình độ công nghệ rất nhiều, do đó việc định hướng nghề nghiệp không nên chỉ loanh quanh ở tỉnh Bạc Liêu hay vùng bán đảo Cà Mau, mà có thể cạnh trạnh cả ở trong khu vực ĐBSCL, TPHCM, thậm chí cả nước.
“Tôi cảm nhận các bạn thanh niên không có kênh thông tin để tương tác. Các thanh niên hiện nay có thể làm theo ai đó chỉ, hay làm theo người bạn bên cạnh mình vì thấy hay quá. Mà chúng ta không nhìn lại xem đam mê, hoài bảo, ước mơ của mình là gì, do đó chính chúng ta phải làm rõ chuyện này.
Các thanh niên phải đặt vị trí trách nhiệm của mình khi tiếp cận với công việc trong tương lai. Bên cạnh đó sẽ có thầy cô, bạn bè, các diễn đàn, thông tin trên mạng… có thể giúp thêm cho chúng ta xác định ngành nghề đó làm ở đâu, tốt như thế nào”, PGS.TS Từ Diệp Công Thành chia sẻ.
PGS.TS Từ Diệp Công Thành gợi ý, tỉnh Bạc Liêu là một trong những tỉnh đi đầu về mảng nông nghiệp, trong đó có nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Đây là điểm đến có thể định hướng nhu cầu trong tương lai, nếu thanh niên lao vào mảng này tin chắc sẽ “đắt như tôm tươi”.
Thêm một số mảng nữa nằm trong trụ cột phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bạc Liêu là du lịch và năng lượng tái tạo, thì theo Hiệu trưởng Đại học Bạc Liêu, nếu thanh niên định hướng cũng sẽ thuận lợi trong công việc tương lai.
Ngoài ra, hiện nay ở Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL đang có xu thế chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ. Nếu sinh viên đi vào các mảng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật,… thì cũng có thể được trọng dụng trong thời gian tới.