Nên quy định vai trò nhân viên công tác xã hội trong Luật nuôi con nuôi

(Dân trí) - “Ở các quốc gia có nghề CTXH, nhân viên CTXH có vai trò quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc thay thế và được luật hóa trong các bộ luật có liên quan” - Bà Vũ Thị Lệ Thanh, Chuyên gia về bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng LHQ (Unicef) chia sẻ tại Hội thảo - giao lưu trực tuyến về nghề Công tác xã hội.


Các diễn giả đang trả lời thắc mắc của bạn đọc.

Các diễn giả đang trả lời thắc mắc của bạn đọc.

Chương trình do Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) và báo điện tử Dân trí tổ chức ngày 13/9 tại Hà Nội.

Nhận định về lĩnh vực nhận con nuôi, bà Vũ Thị Lệ Thanh cho rằng đây là vấn đề khá nhạy cảm không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

Do vậỵ ở các nước có ngành công tác xã hội (CTXH) phát triển, luật pháp quy định trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội trong vấn đề nhận con nuôi ra sao khá kỹ lưỡng.

Theo bà Vũ Thị Lê Thanh, các quốc gia phát triển nghề CTXH, đều chú trọng xây dựng quy định về vai trò của nhân viên CTXH trong lĩnh vực chăm sóc thay thế. Đồng thời, vai trò này được luật hóa trong các bộ luật có liên quan.

“Chăm sóc thay thế gồm cho, nhận con nuôi, chăm sóc bởi những người trong họ hàng, chăm sóc nhận nuôi tạm thời và chăm sóc tập trung. Trong các hình thức chăm sóc thay thế này, việc chăm sóc bởi họ hàng và nhận nuôi tạm thời ở tại cộng đồng là được ưu tiên nhất, sau đó là cho nhận con nuôi” - bà Vũ Thị Lê Thanh nói.

Theo quy định của nhiều nước phát triển, việc đưa trẻ vào các cơ sở chăm sóc tập trung là biện pháp cuối cùng. Đối với việc cho nhận con nuôi, chính sách ưu tiên cho nhận con nuôi ở trong nước để đảm bảo trẻ vấn giữ được bản sắc.

Trong quá trình trên, nhân viên CTXH là người chịu trách nhiệm đánh giá nhu cầu cần được chăm sóc của trẻ, để xem trẻ phù hợp với hình thức chăm sóc thay thế nào.

Bà Vũ Thị Lê Thanh phân tích: “Nếu trẻ được chọn cho hình thức cho nhận con nuôi, nhân viên CTXH phải đánh giá điều kiện gia đình nhận nuôi trẻ để đảm bảo họ có khả năng về sức khỏe, kinh tế, và môi trường chăm sóc an toàn cho trẻ”.

Với trường hợp cho nhận con nuôi quốc tế, nhân viên CTXH phải phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện các nhiệm vụ trên và thực hiện quy trình thủ tục theo luật định.

Sau khi thực hiện thành công vấn đề ghép trẻ với gia đình nhận nuôi, nhân viên CTXH còn có nhiệm vụ giúp đỡ gia đình nhận nuôi có các kỹ năng nuôi dạy trẻ, tiếp cận đến các nguồn lực hỗ trợ khác của chính phủ hay cộng đồng.

Nhận định về quy định nhận con nuôi của Việt Nam, bà Vũ Thị Lê Thanh cho biết: Tới nay, quy trình cho, nhận con nuôi của Việt Nam đã khá phù hợp với hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về chăm sóc thay thế.

“Tuy nhiên người thực hiện không phải là nhân viên CTXH. Việc cho nhận con nuôi đang được thực hiện phối hợp giữa cán bộ tư pháp và cán bộ bảo vệ trẻ em trong ngành LĐ-TB&XH” - bà Vũ Thị Lê Thanh nói.

Việc này vẫn mang tính kiêm nhiệm và lâu dài có thể chưa hợp lý.

Bà Vũ Thị Lê Thanh nói: “Các cán bộ này được tập huấn về các kỹ năng thực hiện đánh giá và ghép trẻ, tuy nhiên đây là công việc kiêm nhiệm của họ, nên chưa thực sự chuyên nghiệp. Về lâu dài, Việt nam cần quy định vai trò CTXH trong Luật nuôi con nuôi để có nhân viên CTXH thực hiện dịch vụ này”.

Phan Minh