1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Năng suất lao động và mâu thuẫn về danh hiệu cần cù

Năng suất lao động của Việt Nam được Tổ chức lao động thế giới (ILO) đánh giá là thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo nghiên cứu của ILO, năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/11 của Nhật Bản và bằng 1/10 của Hàn Quốc. So với các nước ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 của Malaysia, 2/5 Thái Lan.

Tốc độ tăng năng suất lao động trung bình hằng năm của Việt Nam chỉ đạt từ 3,3 - 5,2%.

Còn theo số liệu thống kê của Tổ chức Năng suất châu Á, năng suất lao động bình quân khu vực ASEAN cao hơn hai lần so với năng suất lao động Việt Nam. Trong khi đó, tỷ lệ tự động hoá ở những nước như Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt đến một trình độ nhất nhì thế giới. Người lao động ở xứ này nếu tính theo công thức năng suất lao động là tỷ lệ giữa đầu vào và đầu ra, thì đúng là cao hơn Việt Nam 10 đến 11 lần.

Nhưng, liệu trình độ công nhân phổ thông của Việt Nam hiện nay có thích nghi với những dây chuyền tự động hoá cao? Liệu họ có thể quản lý dây chuyền sản xuất trước màn hình máy tính với các lệnh bằng tiếng Anh?

Một thực tế khác là, theo một khảo sát của trang dịch vụ trực tuyến việc làm JobStreet, trên 3.000 sinh viên Việt Nam sắp ra trường trong tháng 3.2015 chỉ có 5% tự tin với khả năng tiếng Anh.

Trong viễn cảnh thị trường lao động mở ra trong khuôn khổ AEC, lao động Việt Nam tưởng có thể bay cao bay xa, nhưng thực tế là toàn “chim cánh cụt” khi thiếu kỹ năng tiếng Anh.

Những thực tế trên đặt ra bài toán về cơ chế chính sách thúc đẩy, tạo điều kiện cho việc dạy nghề, đào tạo nghề chất lượng cao.

Giải pháp căn bản để nâng cao năng suất lao động là trang bị cho người lao động những kỹ năng thiết thực để có thể “ngoi lên” trong quá trình hội nhập, bao gồm cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm.

Thế nhưng, trong lĩnh vực nông nghiệp, nhờ sự "cần cù" về một năm làm ba vụ mùa, năng suất lao động trong ngành lúa gạo Việt Nam được tính vào hàng nhất nhì.

Cũng trên một diện tích cố định, nông dân Việt Nam có thể làm ra bình quân 18 tấn/ha. Trong khi nông dân ở nước Campuchia bên cạnh chỉ làm ra 6 tấn/ha.

Tuy nhiên, đó chỉ là về mặt số lượng, còn về chất lượng gạo, Campuchia đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu gạo của mình.

Một nông dân ở miền Trung cho biết có những người chỉ có vài sào ruộng nhưng dứt khoát phải làm ba vụ lúa một năm.

Ông nói: “Mình không theo họ không được, vì ruộng họ nằm bên cạnh vùng ruộng của mình. Làm chệch choạc, chỉ làm mồi cho sâu bọ và chuột.”

Được hỏi về giải pháp từ phía chính quyền xã, ông cho biết “địa phận hợp tác xã” (hợp tác xã không còn nữa nhưng danh xưng vẫn còn) của ông đang được vận động để làm lúa hai vụ.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, một người làm tiếp thị du lịch của Hội nông dân An Giang cho biết, "muốn họ đừng làm ba vụ đâu có được".

An Giang đã thành công chống lũ kiểu Sơn Tinh Thuỷ Tinh với hệ thống đê bao dày đặc cả một vùng đồng bằng.

Phù sa đối với họ trong các mùa nước nổi không cần thiết vì đã có phân hoá học được người Mỹ tập cho sử dụng từ nửa thế kỷ về trước.

Ông Tùng nói: “Đụng đến ba vụ là đụng đến sự sống chết của nông dân vùng này. Không ai dám đâu.”

Năng suất lao động Việt Nam theo từng lãnh vực đang có nhiều bất cập khó có thể hội nhập mà không bị tổn thương, nếu không có chiến lược ngay từ bây giờ tuy có muộn.

Theo Trần Bích/Vietq.vn