“Lương tối thiểu không nên gắn với năng suất lao động”

(Dân trí) - “Lương tối thiểu chỉ đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Không nên gắn lương tối thiểu với tăng năng suất lao động. Nói chính xác, lương tối thiểu như mức “sàn” bảo vệ người lao động yếu thế, lao động phổ thông…”.

Bà Trương Thị Mai - Trưởng Ban Dân vận Trung ương - phát biểu trong buổi làm việc với Tổng LĐLĐ VN chiều 24/5 tại Hà Nội. Nhiều vấn đề như tiền lương, nâng cao tay nghề, việc làm bền vững…của người lao động và tổ chức công đoàn đã được đề cập tại buổi làm việc này.

Lương tối thiểu và năng suất lao động

Về mức lương tối thiểu - một trong những vấn đề đang thu hút được sự quan tâm của người lao động và tổ chức công đoàn, bà Trương Thị Mai nhận định: Bộ Luật Lao động năm 2012 đã quy định ra mô hình Hội đồng tiền lương với cơ chế đối thoại 3 bên gồm Tổng LĐLĐ VN, VCCI, Bộ LĐ-TB&XH. Kết quả của đối thoại tăng lương được thể hiện khá rõ nét qua việc bỏ phiếu bình chọn.

Tuy nhiên bà Trương Thị Mai cho rằng, lương tối thiểu không nên gắn với năng suất lao đông: “Đơn thuần, lương tối thiểu chỉ là một lớp “sàn” cho nhóm lao động yếu thế. Còn với nhóm lao động có trình độ kỹ thuật, chắc chắn là tiền lương của họ sẽ vượt mức lương tối thiểu”.


Mức tăng lương tối thiểu vùng 2017 sắp được Tổng LĐLĐ VN, VCCI và Bộ LĐ-TB&XH bàn thảo. (Ảnh minh họa)

Mức tăng lương tối thiểu vùng 2017 sắp được Tổng LĐLĐ VN, VCCI và Bộ LĐ-TB&XH bàn thảo. (Ảnh minh họa)

Đây là sự trùng hợp với quan điểm của Tổng LĐLĐ VN khi cho rằng, cần tách bạch lương tối thiểu và năng suất lao động, trong các phiên thảo luận tăng lương với đại diện VCCI.

Trong dịp tăng lương tối thiểu năm 2016, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Mai Đức Chính từng phát biểu: “Bao giờ lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu thì chúng ta mới có thể bàn tới năng suất lao động”.

Đánh giá mới đây của Tổng LĐLĐ VN cho thấy: Thu nhập của người lao động sau 4 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng (từ năm 2013) vẫn ở mức thấp, chưa đủ bù đắp tái sản xuất sức lao động. Mức lương tối thiểu vùng năm 2016 cũng chỉ đáp ứng được khoảng 80% mức sống tối thiểu.

Thách thức việc làm bền vững

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Trần Thanh Hải cho biết: “Tính đến cuối năm 2015, cả nước có hơn 8,9 triệu đoàn viên. Tổng LĐLĐ VN xác định, năm 2016 là thời điểm hết sức quan trọng để hoàn thành chỉ tiêu phát triển 10 triệu đoàn viên do Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đề ra”.

Bà Trương Thị Mai đánh giá cao vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tham gia xây dựng và phản biện chính sách về người lao động.

Trong xu hướng hội nhập quốc tế, VN đang chuẩn bị gia nhập nhiều Hiệp định quốc tế và thông qua Hiệp định TPP. Công đoàn cần tăng cường đổi mới về phương thức hoạt động và thu hút đoàn viên.

“Tổ chức công đoàn cần tạo nhiều cơ hội để người lao động gắn bó và đến với mình, luôn là sự lựa chọn và nơi đầu tiên của người lao động nhớ tới khi cần. Nếu làm tốt việc này, tranh chấp lao động sẽ giảm đi và đối thoại tăng lên. Chúng ta sẽ góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa” - bà Trương Thị Mai nhận xét.

Chất lượng việc làm theo hướng bền vững là điều chú ý trong bối cảnh hội nhập toàn diện. “Nguyện vọng trước tiên của người lao động là có việc làm. Nhưng với Nhà nước và công đoàn, điều cần lưu tâm hơn là việc làm bền vững. Trong đó, vấn đề tay nghề đóng vai trò quan trọng. Chúng ta không thể để lao động VN làm công việc lao động phổ thông với tỉ lệ quá lớn được” - đại diện Ban Dân vận Trung ương cho biết.

The đó, trình độ tay nghề là yếu tố quan trọng để tạo việc làm và tạo thu nhập ổn định. Người lao động có tay nghề luôn có thu nhập cao hơn lao động phổ thông. Từ thu nhập ổn định, cuộc sống của họ ổn định.

Bà Trương Thị Mai lưu ý, khái niệm việc làm an toàn với người lao động mang nhiều nghĩa: Có thể là giảm rủi ro trong công việc hàng ngày, nhưng cũng có thể là giảm rủi ro khi về già vì thiếu những hỗ trợ lương hưu.

“Trong nền kinh tế thị trường, nếu người lao động không hiểu rõ chính sách thì sẽ những quyền lợi sẽ bị chậm áp dụng. Đơn cử như chính sách BHXH một lần, nếu thực hiện tiếp tục, cả nước sẽ có nguy cơ hàng triệu người lao động không có lương hưu khi về già...” - bà Trương Thị Mai chia sẻ.

Theo Tổng LĐLĐ VN, trong 4 tháng đầu năm 2016, cả nước có 28.700 doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, phá sản, ngừng hoạt động khiến hàng trăm ngàn lao động mất việc làm.

Tình trạng doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, Luật Công đoàn, bảo hiểm xã hội vẫn xảy ra ở nhiều ngành, địa phương. Trong 4 tháng đầu năm các doanh nghiệp nợ BHXH số tiền 13.096 tỉ đồng. Hậu quả khiến hàng ngàn người lao động không được giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Tình hình tranh chấp lao động đình công trong 4 tháng đầu năm 2016 xảy ra 112 cuộc đình công. Tuy giảm 27 vụ so với cùng kỳ nhưng diễn biến phức tạp cả về tính chất và quy mô. Nguyên nhân chủ yếu của các cuộc đình công là chủ doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật lao động, điều chỉnh lương tối thiểu năm 2016. Một số doanh nghiệp thực hiện tăng lương nhưng lại cắt giảm các khoản phụ cấp hay quy vào các khoản thưởng đã gây bức xúc cho người lao động.

Hoàng Mạnh