Nạn nhân bị mua bán sẽ thuận lợi hơn khi vay vốn, học nghề

Hải An

(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH đang lấy góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người. Các chính sách hỗ trợ sẽ được sửa đổi phù hợp hơn với thực tiễn.

Cần điều chỉnh

Hỗ trợ học văn hóa, học nghề và hỗ trợ vay vốn là 2 trong số các chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã được quy định trong Luật Phòng, chống mua bán người. Các chế độ hỗ trợ này nhằm giúp nạn nhân có công ăn việc làm ổn định, sớm hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên so với các chế độ khác, chế độ hỗ trợ học nghề, hỗ trợ vay vốn hiện chưa phát huy hết hiệu quả trong thực tiễn.

Dự thảo Tờ trình về việc xây dựng Nghị định của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc hỗ trợ học nghề chưa hiệu quả do hầu hết nạn nhân trở về muốn tìm việc làm ngay để có thu nhập trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

 Có nạn nhân muốn học nghề nhưng khó tổ chức được lớp do nạn nhân trở về vào các thời điểm khác nhau mà các lớp học nghề tại địa phương không mở thường xuyên. Khi đối tượng về thì chưa có lớp, khi có lớp thì nạn nhân lại rời khỏi địa phương vì họ phải đi kiếm sống hoặc có thể không thích/hoặc không phù hợp học nghề đó.

Nạn nhân bị mua bán sẽ thuận lợi hơn khi vay vốn, học nghề - 1
Tại Nhà Nhân Ái, các nạn nhân được học nghề miễn phí. (Ảnh: baolaocai )

Việc hỗ trợ kinh phí theo quy định để nạn nhân tự học nghề cũng không khả thi do mức hỗ trợ không đủ, nạn nhân không có thêm tiền bù vào để học.

Đối với hỗ trợ vay vốn, Bộ LĐ-TB&XH nhận định, đây là nội dung thực hiện được ít nhất trong số các nội dung hỗ trợ. Những khó khăn bao gồm nạn nhân không có các tài sản thế chấp, không có khả năng lập kế hoạch và phương án sản xuất theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo thống kê chưa đầy đủ của các tỉnh, thành phố, từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2019, ngành LĐ- TB& XH đã tiếp nhận, hỗ trợ 2.961 nạn nhân. Trong đó, mới chỉ có 103 người được hỗ trợ học văn hóa, học nghề; 72 người vay vốn sản xuất.

Bên cạnh các điều kiện ràng buộc thì trình tự, thủ tục hỗ trợ phức tạp, không khả thi cũng là rào cản khiến nhiều nạn nhân khó tiếp cận.

Cụ thể, theo quy định hỗ trợ khó khăn ban đầu, học văn hóa, học nghề do UBND cấp huyện quyết định, nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân làm đơn gửi UBND cấp xã, trong 3 ngày làm việc cấp xã lập hồ sơ gửi phòng LĐ-TB&XH cấp huyện.

Trong 5 ngày làm việc, phòng LĐ-TB&XH thẩm định trình UBND cấp huyện xem xét, quyết định. Trong 3 ngày làm việc, UBND cấp huyện ra quyết định và chỉ trợ cấp khó khăn ban đầu đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo mức tối thiểu 1.000.000đ/người. Thủ tục phức tạp nên nhiều nạn nhân không muốn đề nghị hỗ trợ.

Mặt khác, pháp luật hiện hành quy định nạn nhân thuộc hộ nghèo được miễn giảm học phí. Do vậy, một số nạn nhân có nhu cầu học văn hóa, học nghề nhưng không được miễn giảm học phí nên không thể tham gia được.

Từ thực trạng trên, việc rà soát, đánh giá và nghiên cứu bổ sung một số chế độ cho phù hợp với tình hình thực tế là cần thiết.

Nhiều điểm mới

Theo quy định của dự thảo, nạn nhân mua bán người sẽ được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. (Quy định hiện hành, nạn nhân phải thuộc hộ nghèo mới được miễn học phí).

Nạn nhân có nhu cầu học nghề thì được hỗ trợ một lần chi phí học nghề. Mức hỗ trợ theo chi phí đào tạo nghề tương ứng tại các cơ sở đào tạo nghề ở địa phương.

Về trợ cấp khó khăn ban đầu, dự thảo quy định, nạn nhân khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu theo mức 1.000.000 đồng/người/tháng, tối đa không quá 3 tháng. (Quy định hiện hành, nạn nhân thuộc hộ nghèo khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu theo mức do Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH quy định).

Về chế độ hỗ trợ vay vốn, theo dự thảo Nghị định, nạn nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo quy định hiện hành đối với các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm.

So với quy định hiện hành, dự thảo Nghị định bổ sung trường hợp không đủ điều kiện vay vốn theo quy định đối với các dự án vay vốn từ Quỹ gia giải quyết việc làm, thì chính quyền cơ sở phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, hỗ trợ vay vốn từ các chương trình, dự án với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện sản xuất, kinh doanh cho nạn nhân.