Cục CSHS - Tổng đài 111:
Phối hợp xử lý kịp thời thông tin tội phạm mua bán người
(Dân trí) - “Ngay khi nhận được thông tin từ Tổng đài 111, Bộ Công an lập tức kiểm tra, phân loại, xử lý. Trường hợp có căn cứ thì lập kế hoạch xác minh, giải cứu nạn nhân.
Thượng tá Nguyễn Văn Sáng, Phó trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự (CSHS, Bộ Công an) phát biểu tham luận tại Hội thảo mạng lưới kết nối của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em và Đường dây nóng phòng, chống mua bán người 111.
Hội thảo do Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức trung tuần tháng 12/2019.
Phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Sáng, trước đó thực hiện Dự án Jica, Cục CSHS đã phối hợp với Cục Trẻ em (Dự án đường dây nóng) triển khai thí điểm đường dây nóng (tổng đài 18001567) tại một số địa phương: Cục trẻ em, Hà Giang và An Giang.
Nay Tổng đài 18001567 đã được nâng cấp thành Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (gọi tắt là Tồng đài 111), cơ chế phối hợp giữa Cục CSHS, Bộ Công an vẫn được thường xuyên liên tục. Khi Tổng đài 111 nhận được thông tin liên quan đến tội phạm mua bán người (giải cứu nạn nhân) sẽ thông báo cho Cục CSHS qua điện thoại trực ban hình sự 24/24, số ĐT: 069.2348560 hoặc Email: chongbuonnguoi@gmail.com.
Sau khi tiếp nhận được thông tin do Tổng đài 111, Cục CSHS, Bộ Công an có trách nhiệm phân loại, xử lý, chuyển thông tin cho Công an các đơn vị, địa phương có liên quan hoặc chỉ đạo Phòng phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm mua bán người (Phòng 5) có trách nhiệm kiểm tra, phân loại, nếu có căn cứ thì lập Kế hoạch xác minh, giải cứu nạn nhân.
Một số trường hợp nhận thông tin nạn nhân bị bán sang Trung Quốc vào những ngày nghỉ, ngày lễ, Cục CSHS vẫn phối hợp với Cục Điều tra hình sự, Bộ Công an Trung Quốc tiến hành xác minh, giải cứu được các nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc ép lấy chồng bất hợp pháp.
“Điển hình như tháng 12- 2018, Cục CSHS giải cứu 2 nạn nhân là bệnh nhân đang điều trị bệnh tan máu bẩm sinh bị lừa bán sang Trung Quốc lấy chồng”, Thượng tá Sáng dẫn chứng.
Ngoài ra, Cục CSHS và Công an các đơn vị, địa phương khi nhận được thông tin từ đường dây nóng 111 liên quan đến các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em, các đơn vị đều kiểm tra, xác minh làm rõ, có vụ việc đã tiến hành điều tra, bắt giữ đối tượng phạm tội xâm hại trẻ em…
Mở rộng hoạt động
Cũng tại Hội thảo, nhiều giải pháp đã được Cục CSHS đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.
Theo đó, Cục đề xuất mở rộng hoạt động Tổng đài 111, bao gồm việc đề xuất tăng số lượng, chất lượng, tư vấn viên, cộng tác viên ở cấp cộng đồng. Đồng thời cần tăng cường kết nối giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức phi chính phủ trong công tác phòng, chống buôn bán người.
Nắm chắc diễn biến tình hình tội phạm mua bán người, có Kế hoạch điều tra cơ bản, xác định địa bàn trọng điểm để có Kế hoạch phòng ngừa phù hợp với từng địa phương, kiềm chế thấp nhất số vụ mua bán người xảy ra.
Cùng với đó, tổ chức tốt công tác tuyên truyền về phòng chống tội phạm mua bán người; tiếp nhận thông tin về tội phạm qua đường dây nóng, hộp thư (email), hộp thư tố giác tội phạm. Xử lý, phân loại, kiểm tra xác minh nếu có dấu hiệu tội phạm thì tiến hành điều tra, giải cứu nạn nhân, bắt giữ xử lý các đối tượng phạm tội.
Hàng năm, tổ chức mở các đợt cao điểm về phòng chống mua bán người trên tuyến biên giới Việt Nam- Trung Quốc; Việt Nam-Lào-Campuchia. Phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra các khu vực biên giới ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép và đưa phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài bán. Phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh các đối tượng phạm tội mua bán người.
Cảnh báo việc sử dụng mạng xã hội tiếp cận nạn nhân
Thượng tá Nguyễn Văn Sáng cho hay, bên cạnh những thủ đoạn truyền thống như trực tiếp làm quen, dụ dỗ, lừa gạt, ép buộc các nạn nhân đưa ra nước ngoài, các đối tượng đã sử dụng thêm nhiều thủ đoạn mới.
Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình và nhà trường, thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook tiếp cận, rủ rê, lôi kéo nạn nhân bằng các hình thức như: đi thăm quan du lịch, mua tặng quà, làm thuê thu nhập cao, lừa nhiều em gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke hoặc massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven quốc lộ để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động, cho vay nặng lãi...
Phạm Thu