Hơn 200 nạn nhân bị mua bán được giải cứu, tiếp nhận
(Dân trí) - “Từ đầu năm 2018 đến tháng 11/2019, lực lượng bộ đội biên phòng cả nước đã phát hiện, xử lý 105 vụ, mua bán người, bắt giữ 73 đối tượng; giải cứu, tiếp nhận 209 nạn nhân”.
Đây là kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người thời quan qua. Góp phần quan trọng vào kết quả đó có nguyên nhân từ sự phối hợp thiết thực, hiệu quả giữa Cục Phòng, chống ma túy - tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) và Trung tâm Tư vấn - Dịch vụ truyền thông (Cục Trẻ em).
Hoạt động thiết thực
Theo Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP), thời gian qua, đã phối hợp cùng Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông (Cục Trẻ em) triển khai nhiều hoạt động phối hợp thiết thực, hiệu quả.
Cục đã cử cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo và Nhóm công tác liên ngành Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người.
Cùng với đó, Cục đã lựa chọn các đơn vị Bộ đội Biên phòng trọng điểm thực hiện công tác phòng, chống mua bán người; tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán để cung cấp cho Cục Trẻ em xây dựng Danh bạ nguồn điện tử của Đường dây nóng (111): Bao gồm 44 đầu mối cấp tỉnh; 137 đầu mối đồn Biên phòng trọng điểm tại các tỉnh, thành phố; 4 Hải đoàn Biên phòng thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP.
Cục Phòng chống ma túy và tội phạm cũng cử cán bộ tham dự các Hội thảo trong và ngoài nước nhằm đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hiệu quả hoạt động của Đường dây nóng tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.
Đồng thời, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã tích cực hỗ trợ cho Cục Phòng chống ma túy và tội phạm in các tờ rơi, pano tuyên truyền đường dây nóng phòng, chống mua bán người.
Đề xuất quy trình kết nối, chuyển tuyến ca
Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp phòng, chống mua bán người trong thời gian tới, nhiều giải pháp cũng đã được Phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP) đề xuất.
Cụ thể như: Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông, Cục Trẻ em cần phối hợp với Phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm tham mưu cho lãnh đạo 2 Cục ký kết Thỏa thuận hợp tác, trong đó có quy trình kết nối, chuyển tuyến các ca giữa Tổng đài 111 và BĐBP. Trước mắt, phối hợp xây dựng kế hoạch khảo sát một số đồn Biên phòng trọng điểm làm cơ sở đề xuất Thỏa thuận hợp tác.
Bên cạnh đó, Cục Trẻ em phối hợp tốt với các đơn vị BĐBP tăng cường các hoạt động truyền thông về Tổng đài 111 ở khu vực biên giới để cán bộ, nhân dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em ở khu vực biên giới biết và được tư vấn, trợ giúp của Tổng đài.
Tăng cường hiệu quả kết nối, can thiệp cho trẻ em có nguy cơ và bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các vùng biên giới, vùng sâu vùng xa, hải đảo của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, các buổi nói chuyện về phương pháp kỷ luật tích cực, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho cha mẹ và trẻ em ở khu vực biên giới nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa.
Tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp
Thực tiễn đấu tranh với tội phạm mua, bán người, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm cho biết, các đối tượng thường sử dụng các thủ đoạn như: Yhông qua điện thoại di động và các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook…), sử dụng tên, tuổi, địa chỉ giả (thậm chí lấy hình đại diện là Chiến sĩ Công an, Biên phòng) để kết bạn, làm quen, hứa hẹn yêu đương, hứa tìm việc làm nhưng thực chất lừa bán nạn nhân.
Các đối tượng cũng thường tạo nhóm kín, diễn đàn trên mạng xã hội với những chào mời, rao bán trứng, đẻ thuê… nhằm dụ dỗ, lôi kéo những phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đưa sang Trung Quốc đẻ thuê (mang thai hộ). Một số trường hợp, tội phạm lợi dụng việc cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để thu gom, vận chuyển bán trẻ sơ sinh ra nước ngoài.
Nguyễn Tuấn