"Năm mới, chỉ mong quán đông khách hơn..."

Phạm Công

(Dân trí) - Bước sang năm 2021, nhiều người lao động đang làm việc tại Hà Nội mong muốn rằng, năm Tân sửu - kinh tế phục htới kinh tế hồi phục để chất lượng cuộc sống được tốt hơn.

Chia sẻ với PV Dân Trí, ông Vũ Xuân Trường quê ở Nam Trực, Nam Định hiện đang làm nghề bán hàng rong tại Hà Nội cho biết: "Năm vừa qua, do dịch bệnh Covid-19 tôi phải nghỉ làm mất 4 tháng về quê. Những ngày đi làm trở lại, thu nhập của tôi cũng không còn được như trước do sức mua của mọi người  giảm".

Người lao động mong một năm mới tươi sáng hơn

Trước dịch, mỗi tháng ông thu nhập gần 7 triệu đồng, trừ chi phí sinh hoạt vẫn còn dư hơn một nửa để gửi về quê. Nhưng năm nay ông Vũ Xuân Trường đi làm chỉ đủ chi tiêu cho bản thân.

Trước thềm bước sang năm mới, ông mong rằng dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, sức khỏe được tốt hơn để có thể hàng ngày đạp xe bên những món hàng rong trên khắp phố phường.

Năm mới, chỉ mong quán đông khách hơn... - 1

Ông Vũ Xuân Trường mong rằng dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, sức khỏe được tốt hơn để có thể hàng ngày đạp xe bên những món hàng rong trên khắp phố phường.

Cùng cảnh khó khăn, anh Hoàng Văn Dũng quê ở Tam Nông, Phú Thọ cho hay: "Cách đây 4 năm, tôi và  vợ xuống Hà Nội để mưu sinh. Hàng ngày tôi chạy xe ôm, vợ đi phụ quán ăn, chịu khó "cày cuốc" cũng đủ nuôi hai đứa con nhỏ ở quê".

Thế nhưng, năm 2020 gia đình anh Hoàng Văn Dũng dường như bị đảo lộn vì dịch bệnh. Để có tiền trang trải cho cuộc sống, anh chuyển qua làm nghề giao hàng còn vợ thì sau khi quán ăn đóng cửa giãn cách đã về quê chăm con.

Anh Hoàng Văn Dũng Bộc bạch: "Thu nhập từ nghề giao hàng của tôi mỗi tháng được khoảng 8 đến 10 triệu đồng, ăn tiêu tiết kiệm để để gửi về cho các cháu ăn học, cả năm qua không dư được đồng nào. Tôi chỉ mong sang năm hết dịch để hai vợ chồng đi làm lại bình thường".

Năm mới, chỉ mong quán đông khách hơn... - 2

Anh Hoàng Văn Dũng mong sang năm hết dịch để hai vợ chồng đi làm lại bình thường

Trong khi có không ít lao động mất việc đã nhanh chóng trở về quê thì nhiều người ở Hà Nội vẫn cố gắng bám trụ với nghề, hy vọng "kiếm được đồng nào hay đồng ấy". Thế nhưng, dịch bệnh khó lường trong năm qua đã khiến họ lâm vào thế "mắc kẹt" ở giữa thành phố.

Ông Nguyễn Văn Bình, trú tại Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, đã hơn 10 năm làm nghề lái xe ba gác. Hai đợt dịch Covid-19 năm nay khiến ông luôn rơi vào tình trạng "ế khách".

"Tôi lái xe ba gác còn vợ thì bán trà đá. Những tháng cách ly xã hội, cả hai vợ chồng đều ở nhà, không có việc gì làm. Đây đúng là một năm "kinh tế buồn" đối với gia đình tôi" - ông Nguyễn Văn Bình Tâm sự.

Năm mới, chỉ mong quán đông khách hơn... - 3

Ông Nguyễn Văn Bình trên chiếc xe ba gác với mong muốn có được một vị khách trong hôm nay 

Không chỉ những người lao động, nhiều người làm kinh doanh cũng rơi vào tình trạng điêu đứng trong năm qua, Anh Vũ Thái Hoàng (quê ở Gia Sàng, TP Thái Nguyên), hiện đang là chủ chuỗi cửa hàng phụ kiện thời trang tại Hà Nội cho hay, năm 2020 là một năm đáng buồn, khi mà thu nhập giảm còn lại 1/3 so với năm 2019.

"Tôi hy vọng năm 2021 dịch bệnh không bùng phát nữa, nếu xảy ra thì chẳng biết bán hàng cho ai. Tiền thưởng Tết cho 12 nhân viên cũng là khoản tiền lớn cần cân nhắc trong thời gian sắp tới" - anh Vũ Thái Hoàng Nói.

Năm mới, chỉ mong quán đông khách hơn... - 4

Chị Trần Quỳnh Chi hy vọng bức tranh kinh tế sẽ sáng hơn vào đầu năm mới 2021

Làm trong lĩnh vực làm đẹp, chị Trần Quỳnh Chi trú tại Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: "Nghề của chúng tôi chủ yếu đông khách những ngày cuối năm. Năm nay kinh tế kém đi, lượng khách hàng làm đẹp cũng giảm đáng kể. Mong rằng từ nay đến Tết khách hàng đông trở lại và sẽ không còn dịch bệnh nữa".

Được biết, trước đây vào đầu tháng 12 dương lịch, cửa hàng của chị Chi khách ra vào lườm lượm. Nhưng năm nay lượng khách thưa thớt, trừ chi phí phí thuê cửa hàng, nhân viên, điện nước,… chị chẳng còn được lời bao nhiêu.