Nam Định: Lão nông kiếm hàng trăm triệu đồng từ nuôi lợn bằng thảo dược

(Dân trí) - Thay vì dùng thức ăn công nghiệp chăn nuôi lợn, một người dân đầu tiên ở tỉnh Nam Định đã mạnh dạn thử nghiệm trộn cám gạo, ngô, bỗng rượu… với thảo dược để làm thức ăn nuôi lợn, nhờ đó đã thu nhập lên tới hàng trăm triệu mỗi năm.

Từ những kinh nghiệm có được từ nhiều năm chăn nuôi lợn và nghiên cứu qua sách, báo ông Nguyễn Văn Thục (xóm 4, xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đã mạnh dạn vay vốn đưa thêm thảo dược vào khâu chế biến thức ăn cho đàn lợn.

Nhận thấy chất lượng chăn nuôi lợn sạch từ thảo dược tốt, nên đàn lợn của gia đình ông Thục bắt đầu tăng mạnh dần, đến nay đã hơn 400 con, sau khi trừ các khoản chi phí ước tính lợi nhuận hằng năm lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ông Thục làm giàu từ nuôi lợn từ thảo dược
Ông Thục làm giàu từ nuôi lợn từ thảo dược

Trước đó, ông Thục xuất ngũ trở về địa phương lập nghiệp vào năm 1992. Ông Thục làm đủ thứ nghề để sinh nhai nhưng thu nhập không khá khẩm là bao. Sau nhiều lần bàn bạc, vợ chồng ông Thục quyết định bỏ vốn để chăn nuôi lợn với mong muốn làm giàu.

Được chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện, vợ chồng ông Thục đã thuê gần 4.000m2 khu đất công để hoang, sau đó xây dựng trang trại chăn nuôi lợn với quy mô gần 50 con.

Nhận thấy hướng làm giàu của vợ chồng rất hiệu quả, ông Thục bắt đầu đi khắp các tỉnh lân cận để học hỏi thêm về kỹ thuật chăn nuôi và tìm hiểu, tham quan những mô hình, cách làm hay để áp dụng vào mô hình của gia đình.

Việc pha trộn thảo dược với thức ăn sẽ có có tác dụng phòng chống bệnh tật, giải độc, kháng khuẩn cho lợn rất tốt
Việc pha trộn thảo dược với thức ăn sẽ có có tác dụng phòng chống bệnh tật, giải độc, kháng khuẩn cho lợn rất tốt

Trở về nhà, ông tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, xây dựng thêm chuồng trại, thiết kế theo mô hình chuồng trại của Thái Lan, đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ đó, quy mô chăn nuôi mở rộng dần, số lượng đàn lợn từ 50 tăng lên 100 rồi lên đến gần 300 con.

Năm 2015, qua nghiên cứu tài liệu, sách báo, ông Thục thấy việc chăn nuôi lợn bằng thảo dược cho chất lượng tốt hơn. Nghĩ là làm nên ông mạnh dạn đưa thêm thảo dược vào khâu chế biến thức ăn với mục đích giúp cơ thể của lợn tăng chất đề kháng, miễn dịch với các loại dịch bệnh, đảm bảo sản phẩm lợn sạch cung cấp đến người tiêu dùng.

Ông Thục cho biết: “Ngoài nguyên liệu cho lợn ăn chủ yếu là cám gạo, ngô, cá khô, đậu tương, bỗng rượu, tôi cho thêm thảo dược kim ngân và một số loại thảo dược khác vào khâu chế biến thức ăn cho đàn lợn.

Trong quá trình chăn nuôi, ông Thục đưa thêm men vi sinh chủng EM trộn vào thức ăn của lợn để tăng cường hấp thụ chất
Trong quá trình chăn nuôi, ông Thục đưa thêm men vi sinh chủng EM trộn vào thức ăn của lợn để tăng cường hấp thụ chất

Việc pha trộn thảo dược với thức ăn sẽ có có tác dụng phòng chống bệnh tật, giải độc, kháng khuẩn cho lợn rất tốt; giải phóng được các kim loại nặng (sắt, đồng, kẽm) và thay cho kháng sinh. Ngoài ra, chất lượng thịt ngon hơn, giai, giòn, có mùi thơm và thịt nạc có màu đỏ tự nhiên.

Từ việc nuôi lợn sạch bằng thảo dược nên khi xuất chuồng nên thịt lợn của gia đình ông Thục được nhiều cửa hàng tiện ích về lấy. Hiện tại, thị trường cung cấp lợn sạch của gia đình ông Thục chủ yếu là ở Nam Định, Hà Nam và Hà Nội.


Trang trại nuôi lợn của ông Thục được chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y

Trang trại nuôi lợn của ông Thục được chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y

Trong quá trình chăn nuôi, ông Thục đưa thêm men vi sinh chủng EM trộn vào thức ăn của lợn để tăng cường hấp thụ chất. Ngoài ra, ông còn dùng men vi sinh chủng EM đã nhân thành thứ cấp để xử lý môi trường chuồng trại, khử mùi hôi.

Năm 2015, mô hình nuôi lợn an toàn thực phẩm của gia đình ông Thục đã được tham gia dự án phát triển chăn nuôi lợn nạc theo hướng VietGAHP. Đây là một trong 5 mô hình trên toàn quốc được đưa vào thử nghiệm của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (Bộ NN - PTNT) về xử lý nước thải. Qua đánh giá của Viện cho thấy, đã có kết quả tốt, nước thải từ hầm biogas đạt ngưỡng cho phép.

Đức Văn