1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Năm 2023, người lao động mong được hưởng lương cao hay giảm giờ làm?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Tâm lý người lao động đang có xu hướng thay đổi, họ quan tâm hơn đến các yếu tố tinh thần và kỳ vọng vào một sự nghiệp hạnh phúc, cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Theo báo cáo Khảo sát lương 2023 của Navigos Group, bên cạnh các kỳ vọng về lương, thưởng và phúc lợi, người lao động (NLĐ) đặt thêm nhiều kỳ vọng khác vào doanh nghiệp.

Họ mong đợi sự an toàn từ doanh nghiệp, sự nghiệp vẫn ổn định khi có các rủi ro bất ngờ xảy ra. Đồng thời, NLĐ cũng kỳ vọng văn hóa doanh nghiệp thay đổi với môi trường cởi mở và thẳng thắn chia sẻ thông tin.

Kết quả khảo sát cho thấy, có hơn 60% NLĐ được hỏi trả lời là kỳ vọng về môi trường làm việc tốt. Họ mong muốn doanh nghiệp có sự cải tiến, thay đổi về không gian làm việc, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng và phát triển công nghệ.

NLĐ mong đợi sự lắng nghe, quan tâm từ phía doanh nghiệp và ban lãnh đạo, cùng với sự cải tiến và xây dựng văn hóa nội bộ rõ ràng, gần gũi. Họ cũng mong muốn giảm giờ làm việc hàng tuần để tái tạo sức lao động. Ngoài ra, phần đông cũng kỳ vọng có chế độ làm việc linh hoạt, và chính sách nghỉ làm ngày thứ bảy.

Năm 2023, người lao động mong được hưởng lương cao hay giảm giờ làm? - 1

NLĐ kỳ vọng môi trường làm việc hạnh phúc, cân bằng giữa công việc và cuộc sống (Ảnh minh họa: Hutech).

Khi có quyết định lựa chọn công việc mới, gần 13,6% lao động quan tâm đến lương đầu tiên. Nhưng cũng có gần 11,3% lao động đặt yếu tố môi trường làm việc lên hàng đầu. Các yếu tố lâu nay được xem là rất quan trọng lại xếp hạng thấp hơn rất nhiều, như yếu tố thăng tiến trong công việc (7,3%), cơ chế thưởng (6,1%)...

Với kết quả khảo sát trên, Navigos Group nhận định, sự an toàn và ổn định nghề nghiệp là một trong những kỳ vọng của NLĐ trong năm 2023. Đồng thời, NLĐ đang dần thay đổi theo xu thế làm việc mới, khi họ có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống (work-life balance).

Ở thị trường lao động phổ thông cũng xuất hiện sự thay đổi lớn trong tâm lý ứng xử với công việc của NLĐ. Quản lý nhân sự một công ty may mặc có hơn 5.000 lao động ở TPHCM cho biết, hiện công nhân đang xuất hiện tâm lý hậu Covid-19, họ thay đổi nhiều trong suy nghĩ.

Tuy rất coi trọng công việc nhưng khi có điều không hài lòng trong môi trường làm việc thì công nhân sẵn sàng nghỉ việc, tìm cơ hội việc làm mới, thậm chí là chuyển sang làm thời vụ, làm các công việc phi chính thức chứ không còn tìm cách trụ lại công việc đang có.

Ngoài kỳ vọng doanh nghiệp cải thiện môi trường làm việc, NLĐ còn thận trọng hơn trong các quyết định "nhảy việc". Theo khảo sát của Navigos Group, gần một nửa số lượng NLĐ tham gia khảo sát (chiếm tỷ lệ 44,3%) chưa có ý định thay đổi công việc mới trừ khi tìm thấy cơ hội mới tốt hơn. 16,3% lao động cho biết sẽ giữ công việc hiện tại càng lâu càng tốt.

Trong báo cáo tình hình lao động sau kỳ nghỉ Tết 2023, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TPHCM cũng nhận định, NLĐ đang có phản ứng khác với các năm trước, tình trạng chuyển đổi việc làm sau Tết không còn là xu hướng như mọi năm. NLĐ mong muốn công việc ổn định vì lo lắng kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nên ít xảy ra trường hợp "nhảy việc".

Lý giải điều này, chuyên gia nhân sự của Navigos Group cho rằng: "Tâm lý muốn chắc chắn và an toàn đang có nhiều ảnh hưởng đến NLĐ, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến chuyển như hiện tại".