Năm 2015, BHYT bao phủ 75 % dân số: Cần thêm 2 triệu người tham gia

(Dân trí) - “Để thực hiện mục tiêu 75 % dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm xã hội VN cần phát triển thêm gần 2 triệu người mua BHYT từ nay tới hết năm 2015. Trong khi đó nhiều khó khăn khi triển khai phát triển đối tượng của 5 nhóm tham gia BHYT”.


Cần thêm hơn 1% dân số tham gia BHYT để đạt mục tiêu 75 % vào cuối năm 2015 - điều này tương đương con số gần 2 triệu người. (Ảnh minh họa)

Cần thêm hơn 1% dân số tham gia BHYT để đạt mục tiêu 75 % vào cuối năm 2015 - điều này tương đương con số gần 2 triệu người. (Ảnh minh họa)

Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN) trao đổi với PV Dân trí về những khó khăn, giải pháp thực hiện mục tiêu bao phủ 75 % dân số tham gia BHYT trong năm 2015.

<?> Thưa ông, năm 2015 chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc, công tác thực hiện chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao cho BHXH VN bao phủ 75 % dân số tham gia BHYT năm 2015 tới nay ra sao?

Đến hết tháng 10/2015, cả nước có gần 74 % dân số tham gia BHYT. Như vậy còn hơn 1 % dân số chưa tham gia BHYT theo như mục tiêu đề ra của Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ theo chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao, BHXH VN đã cụ thể hóa chỉ tiêu cho các địa phương. Tới nay đã có 25 tỉnh, thành đạt chỉ tiêu; 38 tỉnh, thành chưa đạt. Điều này cho thấy việc thực hiện không đồng đều.

Để đảm bảo mục tiêu đề ra, BHXH VN vừa có công văn đôn đốc các tỉnh thành xác định việc thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT là nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2015.

<?> Đánh giá trong 5 nhóm tham gia BHYT theo Luật BHYT năm 2014, ông có thể cho biết các nguyên nhân chính ảnh hưởng tới tốc độ bao phủ?

Nhóm thứ nhất gồm người lao động và chủ sử dụng lao động. Tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHYT còn diễn ra khá phổ biến. Mới chỉ có trên 80% người lao động thuộc nhóm này có BHYT. Như vậy, gần 20 % người lao động chưa được người sử dụng lao động mua BHYT.

Đây là con số không hề nhỏ và đòi hỏi sự tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra từ Bộ LĐ-TB&XH và BHXH VN.

"Trong khu vực BHYT học đường, gần 20 % học sinh, sinh viên các trường CĐ-ĐH từ năm thứ 2 trở đi chưa tham gia BHYT. Đây là “điểm trừ” trong nhận thức của nhóm đối tượng này về giá trị của BHYT trong chăm sóc sức khỏe bản thân" - ông Phạm Lương Sơn nói.

Với nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước chi trả 100% mua BHYT, nhìn chung tỉ lệ bao phủ tốt. Tuy nhiên một số đối tượng thuộc diện quy định trên vẫn chưa được tham gia BHYT. Do việc lập danh sách, thống kê còn khó khăn.

Cụ thể, nhiều tỉnh chưa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực thuộc diện xã đảo, biển đảo. Điều này khiến nhiều người dân đang sống ở vùng như trên chưa nhận được hỗ trợ thẻ BHYT.

Với nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần, như hộ cận nghèo đã trên 90 % tham gia BHYT. Nhưng vẫn có một số tỉnh chưa thực hiện hỗ trợ 30 % mức đóng BHYT cho hộ cận nghèo theo quy định của Chính phủ.

Một điểm lưu ý tiếp theo là việc tham gia BHYT của lao động thuộc hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp mới chỉ chiếm 4,1 % so với điều tra của BHXH VN.

Về nhóm hộ gia đình - nhóm 5 - mới chỉ có 35 % tham gia. Tuy nhiên, so với năm 2014, nhóm đối tượng này đã tăng thêm 8 %.


Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN)

Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN)

<?> Thưa ông, con số hơn 1% như trên chưa tham gia BHYT cụ thể là bao nhiêu người? Vậy từ nay tới cuối năm 2015, BHXH VN có thể đạt được mục tiêu về đích với 75 % dân số tham gia BHYT?

Tỉ lệ hơn 1 % trên tương ứng với gần 2 triệu người.

Tôi cho rằng với sự quyết liệt vào cuộc của các cấp chính quyền và BHXH VN, đặc biệt ở những địa phương có diện bao phủ BHYT còn thấp như khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long, mục tiêu  bao phủ 75 % BHYT toàn dân tới cuối năm 2015 là hoàn toàn có tính khả thi.

Tuy nhiên, điều chúng tôi mong muốn là phải đảm bảo diện bao phủ đó bền vững. Muốn vậy phải tạo diện bao phủ đồng đều và phù hợp với đặc điểm xã hội của từng địa phương.

Chúng tôi đã đề nghị việc đưa tỉ lệ phát triển BHYT trở thành chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội tới từng huyện, xã. Một số nơi đã thực hiện được việc này, ví dụ như ở tỉnh Thanh Hóa.

<?> Tại hơn 20 tỉnh, thành đã hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT của năm 2015, chúng ta có thể học hỏi được gì từ cách làm, thưa ông?

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy hệ thống chính trị ở các địa phương trên đều quyết liệt vào cuộc trong việc phát triển BHYT. Theo đó, các cấp ủy đảng có chỉ thị, UBND các cấp đều có sự quan tâm, các ban ngành chức năng rà soát và lập danh sách, đôn đốc phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH.

Sự hỗ trợ về cơ chế cũng là điều hết sức quan trọng.

Ví dụ về tài chính, các địa phương đã kịp thời hỗ trợ kinh phí giúp hộ cận nghèo mua thẻ BHYT, công tác tuyên truyền vận động được coi đó là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị địa phương…

Khi nhận thức được nâng lên và cơ chế hỗ trợ có sẵn thì việc đạt được mục tiêu sẽ dễ hơn.

Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh (thực hiện)