Mướt mồ hôi nấu đường, người dân xứ Quảng đưa vị ngọt đi muôn nơi
(Dân trí) - Những ngày cận Tết Ất Tỵ, lò nấu đường thủ công của gia đình bà Hoàng Thị Tưởng ở huyện Quế Sơn, Quảng Nam, tất bật đỏ lửa, lưu giữ hương nghề truyền thống đã qua 3 thế hệ.
Thôn Phú Gia 1, xã Ninh Phước, huyện Quế Sơn, Quảng Nam từ lâu đã nổi tiếng với nghề nấu đường từ những ruộng mía trồng trong vùng. Mùa vụ nấu đường thường kéo dài từ tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng Giêng năm sau.
Trước đây, thôn Phú Gia 1 có đến hơn chục hộ nấu đường, nhưng hiện nay chỉ còn duy trì 2 lò đường. Trong đó, cơ sở của gia đình bà Hoàng Thị Tưởng là thế hệ thứ 3 còn giữ gìn nghề này.
Trong hơn 5 năm qua, vợ chồng bà Tưởng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để nâng cấp lò đường, đảm bảo tuân thủ các điều kiện an toàn vệ sinh.
Năm 2023, sản phẩm đường thẻ Phú Gia của bà đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao (chương trình mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Quảng Nam. Cơ sở của bà Tưởng hiện được một công ty bao tiêu với số lượng 4 tấn đường mỗi năm, với giá mua 60.000 đồng/kg.
Bà Tưởng cho biết, so với đường bát, đường thẻ có hình thức bắt mắt hơn, dễ vận chuyển, dễ tiêu thụ và có sức cạnh tranh trên thị trường tốt hơn.
"Gia đình tôi có khả năng sản xuất 10 tấn đường/năm, ngoài cung cấp cho công ty 4 tấn, số còn lại tôi bỏ cho thương lái và người dân trong vùng. Dịp Tết, nhu cầu sử dụng đường tăng cao, nên lò đường cũng tất bật hơn", bà Tưởng chia sẻ.
Công đoạn ép mía đã được cơ giới hóa bằng việc sử dụng máy ép, giúp tăng năng suất và giảm sức lao động. Quy trình nấu đường khá gian nan, đòi hỏi sự nhẫn nại và kỹ thuật cao.
Thay vì sử dụng các chảo gang đơn lẻ, người dân làng Phú Gia 1 đã chế tạo hệ thống bếp lò có thể đặt 5 chảo nấu một lần. Việc duy trì lửa để đảm bảo nhiệt độ trên lò là rất quan trọng, mỗi mẻ đường được nấu trong hơn 1 tiếng.
Sau khi đường được nấu tới, phải lọc một lần nữa rồi đổ vào thùng gỗ. Người thợ dùng một thanh gỗ lớn gọi là "bạn đường" để đánh trong thùng. Đường quánh đặc như hồ là đạt, quy trình này thường mất khoảng 15 phút, rồi đổ vào các khuôn bằng gỗ.
Công việc nấu đường diễn ra 3-4 tháng, cơ sở của bà Tưởng thuê 9 nhân công ở các công đoạn ép mía, nấu đường… Tiền lương trả theo sản phẩm, trung bình 250.000-400.000 đồng/ngày/người.
Theo UBND xã Ninh Phước, từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã đã hỗ trợ giống mía cao sản nhập từ nơi khác về cấp cho người dân trồng trên diện tích 3-4ha, chủ yếu tại thôn Phú Gia 1.
Đường thẻ Phú Gia đạt chuẩn OCOP 3 sao góp phần duy trì và phát triển sản phẩm đặc hữu của địa phương.