1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Muốn nghỉ làm để đi chơi, nữ nhân viên nhận "quà khủng" từ sếp nước ngoài

Hoài Nam

(Dân trí) - Khi tìm hiểu về mong muốn của nhân viên nữ người Việt, vị sếp nước ngoài ngỡ ngàng khi họ đều thể hiện lo toan về chồng con.... Duy nhất một nữ nhân viên mong được nghỉ làm để đi xả stress.

Câu chuyện được đại diện một doanh nghiệp nước ngoài ở TPHCM kể tại tọa đàm về nhân sự vừa diễn ra trong tháng 2. Vị sếp người Đức của công ty từng rất ngạc nhiên khi đi tìm hiểu về mong muốn của các nhân viên nữ trong công ty.

Trước câu hỏi này, hầu hết chị em trả lời mong con học giỏi hơn, mong con thi đỗ vào trường này, mong cho chồng thăng quan tiến chức hoặc thu nhập khá hơn mong bố mẹ khỏe mạnh... 

Muốn nghỉ làm để đi chơi, nữ nhân viên nhận quà khủng từ sếp nước ngoài - 1

Nữ nhân viên phòng kinh doanh nhận quà "khủng" khi nói về ước mơ muốn nghỉ việc đi chơi (Ảnh minh họa)

Vị sếp chia sẻ, những điều các chị muốn, vì không phải cho bản thân mình nên rất khó thực hiện, hỗ trợ ngay được bởi còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện khách quan, ý chí của người khác. 

Chỉ duy nhất một nữ nhân viên phòng kinh doanh có 2 con bày tỏ mong ước được ra nước ngoài du học, được nghỉ làm một tuần, đi du lịch ở Sa Pa một mình - mong muốn từ bé của cô - mà không phải "lỉnh kỉnh" có thêm chồng con. 

Sau đó, sếp trao đổi với nữ nhân viên. Ông đồng ý cho cô nghỉ việc một tuần. Cô thu xếp việc gia đình để thực hiện chuyến du lịch. Công ty chi trả toàn bộ chi phí, kể cả chi phí cô cần thuê người trông giữ, đưa đón con trong thời gian này. 

Các nhân viên công ty không khỏi choáng váng trước món quà nữ nhân viên nhận được. Nhưng chưa hết, trở về sau chuyến đi, ban lãnh đạo gặp cô gái, trao đổi cô hãy tìm hiểu cơ hội đi học ở nước ngoài, công ty sẽ lo toàn bộ học phí, ăn ở. 

Sau đó, nữ nhân viên đi du học ở New Zealand bằng nguồn tài chính của công ty. Vài năm sau, cô tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, trở về làm Phó giám đốc chuyên môn. 

Phụ nữ bỏ quên mong muốn của bản thân 

Câu chuyện làm nhiều người sẽ phải suy ngẫm thêm về vấn đề lao động nữ. Công việc, gia đình và áp lực xã hội đã khiến nhiều lao động nữ đã quên mất những lợi ích cá nhân chính đáng. Mọi mong muốn của bao nhiêu chị em dường như tập trung hết vào chồng, vào con.

Một chị kể về trải nghiệm khi đó làm việc cho một tập đoàn của Thụy Điển. 

Bữa trưa tuần trước, anh đồng nghiệp người Thụy Điển hỏi nhóm 4 người nữ từ tuổi gần 30 đến trên 40: "Các chị thích và mong muốn điều gì?". 

Muốn nghỉ làm để đi chơi, nữ nhân viên nhận quà khủng từ sếp nước ngoài - 2

Lao động nữ gánh áp lực lớn về việc nước, việc nhà (Ảnh minh họa)

Họ trả lời ngay người thì bảo thích cho gia đình được khỏe mạnh êm ấm, người có con nhỏ thì bảo tôi chỉ mong con tôi chịu ăn, khỏe mạnh, người nữa thì bảo tôi chỉ mong con tôi chăm chỉ học hành... 

Anh đồng nghiệp chậm rãi: "Tôi không hỏi những điều ấy. Tôi hỏi các chị mong muốn điều gì cho chính bản thân các chị cơ, không liên quan đến công việc, gia đình, chồng con, chỉ cho chính các chị!". 

Giây phút đó, mấy chị em ngơ ngác nhìn nhau, không ai trả lời được. Cho dù  ở đây, họ đều là những chị em được xem là độc lập, tự chủ, đi đây đi đó chứ không phải là người đặt việc chăm sóc gia đình làm sự nghiệp. 

Theo lời chị kể lại, dường như cuộc sống cá nhân của người phụ nữ ở Việt đôi khi đang bị "hòa tan" vào cái chung của gia đình, chồng, con và công việc. 

Trong chia sẻ mới đây, Giáo sư Trương Nguyện Thành - Nguyên Hiệu phó Đại học Văn Lang (TPHCM) - bày tỏ, văn hóa người Việt chịu ảnh hưởng nặng nề bởi quan niệm: "Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử". Người phụ nữ khi lớn lên có gia đình thì hy sinh bản thân mình để lo cho chồng, cho con. 

Trên một khía cạnh nào đó, đây là một nguyên tắc cần thiết giúp duy trì nền tảng gia đình từ thời kỳ xa xưa, khi người đàn ông lo săn bắn và người phụ nữ lo việc nhà.

Điều này trong xã hội hiện đại vẫn không sai, nhưng xã hội của chúng ta ngày nay đòi hỏi phần lớn phụ nữ phải làm việc để góp phần vào kinh tế gia đình và kinh tế xã hội.

Trong khi đó, áp lực "lo việc nhà" từ văn hóa xã hội thì vẫn còn đó. Thế nên có câu 'Giỏi việc nước đảm việc nhà" dành cho chị em, trong khi đàn ông chỉ cần lo "giỏi việc nước".

Từ nhỏ, các định kiến con gái học gì lắm, phụ nữ phải thế này thế kia... đã đi sâu vào nhiều bé gái. Trong cư xử cho đến học hành, sự nghiệp, tuyển dụng họ thường thiệt thòi hơn so với anh trai, em trai, lao động là nam giới.

Nhiều chị em sống, thậm chí phải nói là hy sinh khi chỉ biết đến mong muốn, nhu cầu của người khác. Sống vì người khác là điều tốt nhưng thái quá có thể kéo theo bỏ bê mất chính mình, sống thay người khác.

Họ lao tâm khổ tứ vì chồng vì con nên càng mang hy vọng, kỳ vọng rất lớn vào chồng, vào con. Điều này có thể kéo theo áp lực với chồng với con. Vì chắc chắn, không ông chồng, đứa con nào có thể sống thanh thản, hạnh phúc trên sự "hy sinh" của vợ, của mẹ.

Phụ nữ gánh áp lực lớn về việc nước, việc nhà. Để lao động nữ hạnh phúc, ngoài các chính sách, hỗ trợ của doanh nghiệp, gia đình thì chính bản thân người phụ nữ cũng cần học cách yêu lấy bản thân.