Mục tiêu đưa 5.700 lao động đi xuất khẩu, Cà Mau tính kỹ mức phí, mức lương
(Dân trí) - Cà Mau phấn đấu đưa khoảng 5.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong 8 năm tới. Địa phương sẽ tập trung hỗ trợ vay vốn, tính toán mức phí, mức lương từng thị trường để lựa chọn.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh phấn đấu đưa từ 1.700 lao động trở lên đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trong đó, năm 2023 là 400 lao động; năm 2024 tăng lên 600 lao động; năm 2025 nâng lên 700 lao động.
Giai đoạn 2026 - 2030, hằng năm tỉnh phấn đấu đưa từ 800 lao động trở lên ra nước ngoài.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh này đưa ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp cho các sở, ban, ngành, địa phương (gọi chung là đơn vị) thực hiện.
Trong đó, các đơn vị phải chỉ đạo quyết liệt thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn với sự tham gia đồng bộ của các ngành chức năng và các tổ chức chính trị - xã hội.
Phân công, quy định rõ trách nhiệm, đưa chỉ tiêu tạo nguồn, chỉ tiêu xuất khẩu lao động vào chương trình hành động của đơn vị, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng ấp, khóm, đảm bảo việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật.
Các đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền với nhiều nội dung trên truyền thông, mạng xã hội, trong đó tập trung chủ trương, chính sách hỗ trợ vốn vay, thông tin thị trường, thời gian làm việc ngắn hạn, dài hạn, phong tục tập quán nước tiếp nhận lao động, quyền và nghĩa vụ của các bên, mức phí, mức lương,… từng thị trường, để lao động biết và lựa chọn ngành nghề, hình thức làm việc phù hợp.
"Tổ chức tư vấn, tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở, lồng ghép trình chiếu các đoạn video về lao động đang làm việc tại nước ngoài, phối hợp mời phụ huynh của lao động chia sẻ về những hiệu quả mang lại", UBND tỉnh Cà Mau nêu cụ thể giải pháp.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, đào tạo nghề là điều kiện quan trọng tất yếu đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài. Do đó, để giảm chi phí đi lại, ăn, nghỉ, sinh hoạt của người lao động, cần phát huy tối đa công năng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nguồn lao động chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Tỉnh này cũng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xuất khẩu lao động được liên kết đào tạo nhằm giảm chi phí, phù hợp với vị trí tuyển dụng; tạo điều kiện cho người lao động tham gia học nghề và ngoại ngữ được tốt nhất.
"Các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cần chú trọng đào tạo cho người lao động đầy đủ những kỹ năng về tay nghề, ngôn ngữ và kỷ luật trong lao động, nhằm nâng cao ý thức của người lao động, chấp hành nghiêm luật pháp nước sở tại, nơi người lao động đến làm việc", UBND tỉnh Cà Mau mong muốn.