Mức lương đóng bảo hiểm không thấp hơn mức tiền lương tối thiểu vùng
Chồng tôi hiện đang làm hợp đồng bảo vệ tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Ninh với mức lương 2.200.000đ/tháng, thấp hơn mức lương tối thiểu vùng quy định cho khu vực thành phố Hạ Long (3.100.000đ/tháng).
Nhưng lãnh đạo Nhà trường cho biết, mức lương tối thiểu vùng chỉ áp dụng cho doanh nghiệp, còn trường học không phải doanh nghiệp nên ngoài các đối tượng hưởng lương Nhà nước (giáo viên) thì các lao động khác ngoài biên chế chỉ áp dụng theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và lao động.
Xin hỏi, nhà trường trả lời như trên có đúng không? Đối tượng lao động như chồng tôi áp dụng theo chế độ tiền lương nào? Người hỏi Đinh Thị Tâm - TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh trả lời vấn đề này như sau:
Căn cứ Luật BHXH số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014; Bộ Luật lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012; Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; Nghị định số 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/1/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật lao động; Nghị định số 122/NĐ-CP ngày 14/11/2015 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng; Nghị định số 66/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013; Nghị định số 47/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lưc lượng vũ trang; Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT.
Ngày 7/7/2016, BHXH tỉnh đã ban hành Công văn số 1500/BHXH-QLT về việc tiền lương đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước; Tại Mục 2: Người lao động ký hợp đồng từ đủ 3 tháng trở lên (từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2017), Hợp đồng không xác định thời hạn, thì mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN thực hiện như sau:
- Nếu mức tiền lương ghi trong hợp đồng lao động thực hiện theo hệ thống thang, bảng lương quy định tại Nghị định số 204/2014/NĐ-CP thì tiền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN là tiền lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, thâm niên vượt khung, thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có). Tiền lương này được tính trên mức tiền lương cơ sở.
- Mức tiền lương ghi trong hợp đồng lao động thực hiện theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN là mức lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động và mức tiền lương này không được thấp hơn mức tiền lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, nếu chồng bà được trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh ký hợp đồng lao động bằng tiền công thì từ ngày 1/1/2016 mức lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN không được thấp hơn mức tiền lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Theo Chinhphu.vn