Mức làm thêm giờ của Việt Nam bị “chê” thấp hơn trung bình thế giới

Giới hạn làm thêm giờ của Việt Nam đang được đánh giá là thấp hơn mức trung bình trên thế giới. Chẳng hạn, trong khi một nhà máy ở Trung Quốc hay Thái Lan có mức làm thêm giờ là 1.872 giờ/năm thì ở Việt Nam chỉ là 300 giờ/năm.

Mức này thậm chí còn thấp hơn mức làm thêm giờ trung bình trong khu vực châu Á.

Mức này thậm chí còn thấp hơn mức làm thêm giờ trung bình trong khu vực châu Á.

Có doanh nghiệp nước ngoài cân nhắc chuyển đầu tư

Ngày 2.12, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam Thường niên 2014 đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia, đóng góp ý kiến của nhiều bộ ngành và các doanh nghiệp trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.

Đóng góp tham luận tại diễn đàn, ông Colin Blackwell, Trưởng tiểu nhóm Công tác Nguồn Nhân lực đã công bố Báo cáo và Kết quả khảo sát nhà đầu tư nước ngoài về lao động, việc làm tại Việt Nam, trong đó đề cập đến vấn đề tăng lương tối thiểu và vấn đề làm thêm giờ đang được nhiều doanh nghiệp nước ngoài "trăn trở".

Cuộc khảo sát được thực hiện với hơn 400 nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã cho thấy những vấn đề về nhân sự chưa được giải quyết có ảnh hưởng lớn đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất.

"Theo kết quả khảo sát, mối quan tâm lớn nhất là về mức tăng lương tối thiểu, pháp luật lao động chưa rõ ràng, giấy phép lao động dành cho người nước ngoài và giới hạn giờ làm thêm.

Khoảng 47% cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng những vấn đề về nhân sự có thể có tác động làm giảm lợi nhuận của họ. Có 27% nhà đầu tư cho rằng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của họ.

Chỉ 18% nói vấn đề này không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ tại Việt Nam. Và có đến hơn 8% đang cân nhắc chuyển hoạt động đầu tư (tại Việt Nam) sang nước khác" - ông Blackwell nói.

Cũng theo ông, các nhà đầu tư lo ngại rằng nếu mức lương tối thiểu tăng cao hơn so với mức lạm phát thì các chi phí lao động khác sẽ tăng. Đã có những nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất cho biết họ đã xem xét chuyển hoạt động đầu tư của họ sang một nước khác.

Đặc biệt trong ngành sản xuất chủ yếu để xuất khẩu, phần lớn các cuộc cạnh tranh trên thị trường quốc tế là về giá; do đó việc tăng chi phí một cách hợp lý sẽ có lợi cho môi trường kinh doanh và nền kinh tế của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, ông Colin kiến nghị mức tăng lương cơ bản trong tương lai chỉ nên cao hơn mức lạm phát. Ví dụ các thành viên của Phòng thương mại Hàn Quốc cho rằng tăng mức lương cơ bản thêm 10% là hợp lý nhất.

Thấp hơn mức trung bình của thế giới

Một vấn đề khác được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và lo ngại đó là vấn đề làm thêm giờ của Việt Nam.

Theo Trưởng tiểu nhóm Công tác Nguồn Nhân lực, Việt Nam đang phải cạnh tranh toàn cầu đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh mới và vì vậy, cần phải đảm bảo được tính cạnh tranh một cách tốt nhất có thể.

"Giới hạn làm thêm giờ hiện nay tại Việt Nam thấp hơn mức trung bình trên thế giới và thấp hơn các nước khác trong khu vực châu Á. Chẳng hạn, một nhà máy ở Trung Quốc hay Thái Lan có mức làm thêm giờ là 1.872 giờ/năm thì ở Việt Nam chỉ là 300 giờ/năm. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ xem xét đến yếu tố này khi ra quyết định đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh khi các quốc gia cùng tham gia trong một cộng đồng kinh tế của các Hiệp định thương mại tự do" - ông Colin nói.

Ông Colin dẫn chứng từ kết quả khảo sát của Tiểu nhóm Công tác Nguồn Nhân lực. Theo đó, 55% các doanh nghiệp cho rằng họ đã có các phương thức xử lý linh hoạt đối với hạn mức làm thêm giờ. 13% các doanh nghiệp cho rằng vấn đề này gây cản trở hoạt động kinh doanh và 31% cho rằng vấn đề này làm giảm hiệu suất sản xuất.

Mức làm thêm giờ thấp gây bất lợi cho những người lao động mong muốn và tự nguyện làm thêm giờ để nâng cao thu nhập.

"Chúng tôi đề nghị tăng mức làm thêm giờ lên 800 giờ cho tất cả các ngành công nghiệp và 1.200 giờ cho các ngành công nghiệp đặc biệt. Một phương án có thể xem xét đã được đề xuất bởi Phòng Thương Mại Nhật Bản và được chứng minh rất thành công tại Nhật Bản là "Hiệp định Điều số 36” khi công ty, nhân viên và công đoàn tự nguyện đồng ý về một cơ chế làm thêm giờ khi cần thiết" - ông đề xuất.
Theo Báo điện tử Một thế giới