1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Mưa lạnh kéo dài, làng hương xứ Quảng vẫn chạy đua cùng Tết

Ngô Linh

(Dân trí) - Cận Tết Quý Mão, thời tiết ở Quảng Nam mưa nhiều khiến việc sản xuất hương gặp khó khăn. Những ngày có nắng, người dân phải tăng công suất để kịp cung ứng thị trường.

Làng Quán Hương (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) có nghề làm hương truyền thống hơn 200 năm. Đây là nơi sản xuất hương lớn nhất xứ Quảng. Hiện có gần 100 hộ theo nghề, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương với mức lương trung bình 4,5-5 triệu đồng/tháng.

Mưa lạnh kéo dài, làng hương xứ Quảng vẫn chạy đua cùng Tết - 1

Làng Quán Hương (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đang tất bật sản xuất cung ứng thị trường Tết Quý Mão.

Làng sản xuất và tiêu thụ hương quanh năm, nhưng mạnh nhất là dịp cận Tết, tốc độ sản xuất gấp 3-5 lần ngày thường. Trung bình mỗi năm làng Quán Hương cung ứng ra thị trường trong nước và xuất khẩu sang Lào, Campuchia gần 1.000 tấn hương.

Tranh thủ những ngày có nắng, bà Võ Thị Xuân (58 tuổi, làng Quán Hương) đẩy nhanh tiến độ sản xuất để còn kịp phơi phóng. Bà Xuân cho hay, cơ sở của bà sản xuất và tiêu thụ hương quanh năm nhưng cao điểm nhất là dịp cận Tết, sản lượng tăng vọt theo nhu cầu người mua.

Mưa lạnh kéo dài, làng hương xứ Quảng vẫn chạy đua cùng Tết - 2

Vì mưa lạnh kéo dài nên sản xuất gặp khó, tranh thủ trời ráo người dân tăng cường sản xuất để phơi.

"Trong năm, trời nắng nên chúng tôi sản xuất khá nhiều để vừa bán vừa để dành cho dịp Tết. Năm nay, mưa khá nhiều và dài ngày là một bất lợi, chúng tôi phải tranh thủ những ngày trời ráo, hửng nắng mới sản xuất nhiều", bà Xuân chia sẻ.

Đang say sưa gói sản phẩm để hoàn thành đơn hàng cho khách, bà Nguyễn Thị Tám (60 tuổi, làng Quán Hương) cho biết, thời tiết ngày cuối năm trở nên lạnh hơn, mưa nhiều, bà phải tranh thủ lúc tạnh ráo mang hương ra phơi để kịp giao cho khách.

Làng sản xuất thứ đặc biệt dâng lên bàn thờ gia tiên dịp Tết (Video: Ngô Linh).

Nghề sản xuất hương trầm quanh năm, nhưng thời điểm tiêu thụ nhiều nhất là vào tháng 7 âm lịch và tháng cận tết. Thời điểm này, cơ sở của gia đình bà Tám phải đầu tư thêm nguyên liệu và tăng cường lao động để sản xuất kịp tiến độ.

"Các tiểu thương ở Đà Nẵng đặt trước cả tháng nay. Giai đoạn này, nhà nào cũng tranh thủ làm hương để kịp giao hàng. Dịp Tết, lượng hàng bán ra thường tăng 4-5 lần ngày thường, ai cũng hứng khởi, mong làm nhiều để có thêm ít kinh phí sắm sửa", bà Tám vui vẻ nói.

Mưa lạnh kéo dài, làng hương xứ Quảng vẫn chạy đua cùng Tết - 3

Người dân làm giàn phơi trong nhà vào những ngày mưa để kịp sản xuất hương cung ứng thị trường Tết.

Tại thôn Bàn Tân, xã Đại Đồng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam), không khí sản xuất hương phục vụ Tết Nguyên đán cũng tất bật không kém. Làng có hàng chục cơ sở lớn, nhỏ sản xuất quanh năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Công việc làm hương khá đơn giản và nhẹ nhàng, nên già trẻ, gái trai ai cũng làm được. Người nhào bột, người se hương, người phơi, đóng gói, mọi người khẩn trương hoàn thành những đơn đặt hàng cuối năm, chuẩn bị đón Tết.

Mưa lạnh kéo dài, làng hương xứ Quảng vẫn chạy đua cùng Tết - 4

Hương được làm từ bột quế hoặc trầm hương, nhờ máy móc hiện đại mà giảm bớt sức lao động.

Được xem là địa chỉ sản xuất hương trầm lớn nhất làng, cơ sở của anh Nguyễn Đình Kỳ Nam (43 tuổi, thôn Bàn Tân) có 3 xưởng hoạt động liên tục, với hơn 10 nhân công làm việc, thu nhập 4-6 triệu đồng/người/tháng. 

"Sau 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh, năm nay thị trường đã ổn định hơn nên cơ sở nhận được đơn đặt hàng rất nhiều. Riêng dịp Tết, thu lãi khoảng 500 triệu đồng do sản lượng tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường", anh Kỳ Nam cho hay.

Mưa lạnh kéo dài, làng hương xứ Quảng vẫn chạy đua cùng Tết - 5

Không khí lao động tất bật ở cơ sở tại xã Đại Đồng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam).