Một ngày ra khơi hái lộc biển

Biển đã hồi sinh, biển lại hát sau những ngày sụt sùi bởi Formosa Hà Tĩnh. Chưa có năm nào ngư dân miệt bãi ngang Quảng Trị lại bội thu trúng đậm cá khoai, mà các ngư lão ở đây gọi là lộc biển, như vụ này.

Lão ngư Võ Quyết kiểm tra lưới cụ chuẩn bị một ngày “hái lộc biển” mới. Ảnh H.T.
Lão ngư Võ Quyết kiểm tra lưới cụ chuẩn bị một ngày “hái lộc biển” mới. Ảnh H.T.

Cá khoai lại đang “lên ngôi”, là món ăn của nhiều gia đình, là đặc sản khoái khẩu nơi nhà hàng, quán xá bằng nhiều kiểu chế biến như lẩu cá khoai nấu với lá me chua, lá ném, rau cần; cá khoai nấu cà chua, hành hoa. Cá khoai còn được kho khô theo lối nấu của ngư dân miệt biển, trên cá phủ dày một lớp ném củ, ném lá cắt mịn dậy mùi thơm ngon.

Ra khơi

“Nối mạng” mãi rồi hai đứa tôi cũng được một lão ngư can trường ở một làng biển Triệu Phong gật đầu cho theo nhưng với ràng buộc nho nhỏ “không được quay phim chụp ảnh bởi dân đây nói sẽ… mất hên”(!).

Trời còn mờ mờ sương sớm se se lạnh, hai đứa tôi bật dậy như điện giật bởi giọng ồm ồm đánh thức ra biển của lão ngư Võ Quyết ở làng Bình An, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Con thuyền 12 mã lực nom như chiếc lá giữa sóng biển “gánh” lão Quyết và hai bạn nghề cùng hai đứa tôi ra khơi. Lão Quyết đứng đầu mũi, hai tay chống hông, dáng dấp như một vị tướng xuất trận.

Ở làng biển Bình An này Võ Quyết là ngư dân lớn tuổi nhất còn ra khơi, bám biển. Lão Quyết là người vui chuyện. Lão bảo mình tuổi Hợi (1947), cầm tinh con dơi con dòng, là huỳnh đế, phú quý; mạng lại ốc thượng thổ, nghĩa là đất trong tổ tò vò, song đời lão chưa thấy sướng, con người lại gắn liền với biển cả từ thuở còn tấm bé đến tuổi thất thập cổ lai hy này vẫn chưa dứt. Lão theo cha đi biển lúc 12 tuổi. Chuyến ra khơi đầu tiên lão bị say sóng nôn thốc nôn tháo tuốt luốt mật xanh, mật vàng.

“Nhưng khi lên bờ còn tệ hơn, dân biển gọi là say đất, bên dân nhậu các chú gọi là say nguội. Chu choa, trời đất cứ lộn ngược xoay vòng tới ngày thứ ba mới dứt say. Sau lần ấy, lão rất sợ đi biển, nhưng cha khuyên bảo biển là nhà, phải thích nghi chốn mình sống. Thế là lão lại theo cha đi biển, dần dà không còn bị say nữa”, lão Quyết oang oang, tiếng cười yêu đời lọt thỏm tan biến giữa sóng gió biển khơi.

“Ngư dân tổ chức đánh bắt cá khoai từ cuối tháng 12 âm lịch đến nay và liên tiếp trúng đậm. Thời gian đầu năm mới Đinh Dậu-2017, sản lượng đánh bắt cá khoai của ngư dân ở 4 huyện có biển bãi ngang Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong chiếm tới 80% tổng sản lượng thủy hải sản đánh bắt được. Với giá cao, bà con rất yên tâm vươn khơi, bám biển, không còn cảnh tha phương kiếm sống như những năm trước”.

Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị Võ Văn Hưng

“Giảm ga, thả lưới!”, lão lệnh cho hai bạn thuyền, chất giọng ồm ồm như sóng biển. Họ bắt đầu buông lưới.

Lão bảo, đó là loại lưới 2 có ô lưới hình vuông, mỗi cạnh có độ dài 2cm, chuyên dùng đánh bắt cá khoai, quê lão quen gọi là cá cháo bởi ngày xưa cực khổ đói mờ mắt có biết chế biến chi mô, chỉ mỗi cách cho cá vô nồi, kho một hồi ngó lại chả thấy con cá mô cả mà rặt mỗi nước.

Lưới có chiều cao cỡ 5 mét, mỗi vàng lưới dài ngót 100 mét, có vàng tận 150 mét, tùy vào người sử dụng.

Thuyền của lão Quyết hôm đó mang theo 6 vàng lưới. Lão bảo phải không dưới 2 giờ mới thả hết những vàng lưới này. Dứt xong tay lưới cuối cùng, lão Quyết lệnh cho thuyền chạy đến chỗ nước êm để nghỉ ngơi. Rồi lão lết đến ngồi đối diện hai đứa tôi, tiếp tục câu chuyện đời ngư phủ… Và câu kết của lão như xoáy vào tôi “Muôn đời vẫn vậy, biển mãi thương người, xin người chớ phụ!”. Lão ngả lưng xuống mạn thuyền, ngửa mặt nhìn lên nền trời xanh ngắt như mặt nước biển, khe khẽ một mình: “Trời và biển hôm nay thật yên bình!”.

Hai người bạn thuyền đang đi làm với lão Quyết đây cũng hoàn cảnh lắm, bỏ làng đi cũng tại miếng cơm manh áo. Ngư dân Trần Binh mới trở về làng trước Tết Đinh Dậu sau nhiều tháng lặn lội vào tận Phú Quốc làm công thuê bởi sự cố môi trường biển miền Trung.

Anh bảo: “Ly hương bất phú. Còn bữa ni ở quê mỗi ngày ra khơi một thuyền đánh bắt được 60-70 kg cá với giá bán 70 ngàn đồng/kg, một ngày bình quân một thuyền thu vài triệu đồng. Bữa trước thuyền lão Quyết đây chỉ trong vòng 3 ngày đi biển đã đánh bắt được 5 tạ cá khoai, thu về hơn 30 triệu đồng”.

Cũng như ngư dân Binh, ngư dân Phan Vĩnh cũng đã có thời gian dạt vô Tây Nguyên hái cà phê thuê kiếm sống, giờ trở về ở làng bám biển. Anh bảo: “Hết mùa cá khoai là chuyển sang cá nục, cá trích... rồi câu mực. Dân Bình An quê tui có nghề sở trường câu mực nang. Ngư dân tụi tui vui mừng lắm, biển đã hồi sinh trở lại, cho chúng tôi nguồn thu nhập nuôi sống gia đình. Và sướng nhất cuộc đời tui là 3 đứa con lại được tiếp tục đến trường”.

Hỏi ra mới tường, sự cố Formosa khiến thằng con đầu của anh đang học năm thứ hai Đại học Bách khoa TPHCM suýt phải “đứt gánh giữa đường’’, bỏ học vì không có tiền đóng học phí, rồi hai đứa con lớp 8, lớp 10 ở quê cũng thế. Nhưng rồi, như anh nói, biển có con mắt, biển vẫn thương người…

Một ngày ra khơi hái lộc biển - 2
Thương lái tìm về thu mua cá khoai và các hải sản khác ngay tại bờ biển làng Bình An.
Thương lái tìm về thu mua cá khoai và các hải sản khác ngay tại bờ biển làng Bình An.

Lộc biển lộc trời

… Non hai giờ đồng hồ sau, lão Quyết lệnh hai bạn thuyền kéo lưới. Vàng lưới mắc dày những chú cá khoai tươi sống, vẫy vùng. Hai đứa tôi trố mắt nhìn lớp cá sáng lấp loáng màu bạc, hét to: “Đã quá lão Quyết ơi!”. Lão cười hề hề: “Hay hai chú vứt cái nghề… viết báo đi, về đây đi biển với lão, ngày mô cũng như ri cả!”. Cao hứng, hai đứa tôi xúm tay định giúp lão, nhưng cánh tay như gọng kìm của lão ngăn lại “Không được!”.

Lão bảo, loài cá khoai ni ngó mềm yếu rứa song hàm răng của chúng rất sắc, chỉ cần sơ sẩy tí xíu là rách cả mấy đầu ngón tay. Rồi cứ thế, lão Quyết và hai bạn thuyền Binh, Vĩnh kéo lưới, tỉ mẩn gỡ cá khoai bỏ vào những chiếc xô nhựa mang sẵn trên thuyền, đổ vào đó ít nước biển để giữ cho cá tươi lâu. Sau nhiều giờ quăng quật đánh bắt với 3 lần buông lưới, lão cười ha hả: “Thu được gần 1 tạ lộc trời rồi mấy chú ơi, thu quân! Vụ cá khoai bắt đầu từ tháng 12 âm lịch đến hết tháng 4 năm sau, cứ đà như ri thì e… giàu to thôi”.

Trời ngả sang chiều, lão Quyết cho thuyền chạy một mạch vào bờ. Ra khơi cùng với lão hôm đó còn có 11 con thuyền khác của ngư dân làng Bình An. Những con thuyền vừa cập vào bờ, thương lái đã chờ sẵn thu mua, mang lên các chợ bán. Vợ lão, bà Văn Thị Cheo, tuổi thua lão đúng một giáp, đôi chân vẫn còn nhanh thoăn thoắt, bước ra thuyền nhìn chồng, nhìn đống cá to, cười tươi rạng rỡ.

“Tui lấy hết cả mấy xô cá ni”, một chị thương lái chạy tới chỉ vào chỗ cá trên con thuyền của lão Quyết. “Bán sỉ bảy chục ngàn đồng một cân, chị lấy hết đi. Chứ cá khoai giá lẻ hôm ni tại chợ Đông Hà tới 100-120 ngàn đó nghe”, bà Cheo dứt giá. Sau khi nhìn khách cân cá và tính toán, bà Cheo quay sang lão Quyết và hai bạn thuyền: “Hôm ni được 97 cân, được hơn năm triệu tư đó!”.

Vợ nói vậy nhưng nhìn lão Quyết tuồng như không để tâm mấy đến chuyện tiền bạc. Lão và hai bạn thuyền lại hì hụi vần kích con thuyền vào bờ, chuẩn bị ngư cụ để sáng sớm mai lại vươn khơi. Vãn việc, lão quay sang phía hai đứa tôi cười khà khà: “Xong rồi mấy chú, chừ về nhà lão đánh năm, bảy chén rượu gạo làng đậy nút chuối khô với nồi lẩu cá khoai thôi!”. Cả đám chúng tôi cười vang trên bãi cát trắng vàng chiều muộn làng Bình An…

Chủ tịch UBND xã Triệu Vân Trần Bình Huỳnh cho hay, từ cuối tháng 1 đến nay đa phần thuyền đánh bắt gần bờ có công suất từ 8-12 mã lực của ngư dân trong xã đã ra khơi đánh bắt hải sản. Tổng sản lượng đánh bắt được trên 70 tấn hải sản các loại như cá thu, ghẹ, tôm, trong đó có gần 40 tấn cá khoai. “Gần 200 lao động biển của Triệu Vân sau sự cố môi trường biển lao vào Nam kiếm cơm, giờ đã về làng hết. Bà con phấn khởi ở làng bám biển quê nhà”, ông Huỳnh nói.

Theo Báo Tiền phong