Nam Định:

Một ngày ở làng nghề đúc tượng đồng “Hưng Đạo Đại Vương”

(Dân trí) - Với bề dày lịch sử gần 900 năm, làng nghề đúc đồng tại thị trấn Lâm (Ý Yên, Nam Định) đã tạo ra nhiều thế hệ nghệ nhân và thợ đúc tài hoa cùng với những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, trong đó phải kể tới pho tượng “Hưng Đạo Đại Vương” nức tiếng cả nước.

Nhắc đến Ý Yên (Nam Định), nhiều người nghĩ ngay đến những làng nghề có bề dày truyền thống, trong đó không thể thiếu làng nghề đúc đồng Vạn Điểm. Đây là làng nghề có bề dày lịch sử hàng trăm năm với rất nhiều những sản phẩm tinh xảo được tạo ra như: Lư hương, đỉnh trầm, nồi, chảo, mâm, tượng phật...

Ngày nay khi được lĩnh hội những kinh nghiệm của ông cha để lại qua nhiều thế hệ, người dân nơi đây đã biết áp dụng khéo léo khoa học kĩ thuật và đôi bàn tay tài hoa để tạo nên những sản phẩm lớn, độ chính xác cao và phức tạp.

Những bức tượng đồng Hưng Đạo Đại Vương trong một khu xưởng
Những bức tượng đồng "Hưng Đạo Đại Vương" trong một khu xưởng

Nhiều sản phẩm tinh xảo được sản xuất tạo nơi đây, như: Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ cao 16,2m, nặng 220 tấn ở Điện Biên; tượng vua Lý Thái Tổ cao 10,1m, nặng 45 tấn ở Hồ Gươm (Hà Nội); tượng Phật tổ Như Lai nặng 35 tấn ở núi Non Nước (huyện Sóc Sơn, Hà Nội); 3 pho tượng Tam Thế Phật nặng 50 tấn ở chùa Bái Đính (Ninh Bình)...

Ngoài ra, người thợ nơi đây luôn tự hào khi nhắc tới những pho tượng “Hưng Đạo Đại Vương”được sản xuất với nhiều kích cỡ khác nhau. “Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn” là hình ảnh của một vị anh hùng dân tộc được nhân dân rất khâm phục và kính trọng.


Sau khi trộn đất các nghệ nhân sẽ tạo khuôn

Sau khi trộn đất các nghệ nhân sẽ tạo khuôn

Để có thể tạo ra những pho tượng “Hưng Đạo Đại Vương” có thần thái cùng những đường nét tinh tế, những nghệ nhân nơi đây phải trải qua khá nhiều những gian nan, vất vả cùng với đó là sự kết hợp độc đáo những kinh nghiệm của tổ nghề để lại cũng như phải có được cái tâm trong sáng và đạo đức của người làm nghề.

Khâu trộn đất làm khuôn đúc
Khâu trộn đất làm khuôn đúc

Muốn tạo ra một pho tượng “Hưng Đạo Đại Vương” người thợ phải trải qua rất nhiều những công đoạn đòi hỏi sự kỳ công cũng như chính xác đến từng đường nét, từ việc chọn đất, làm đất đến in khuôn.

Công việc nào cũng đòi hỏi sự vất vả, đòi hỏi kỹ thuật cao từ đôi bàn tay người thợ. Theo những thợ nghề lâu năm tại đây, để tạo ra một pho tượng, cần trải qua tất cả là 4 bước. Bước thứ nhất là làm khuôn, bước thứ hai là đánh sáng, bước thứ ba là khảm tam khí và bước cuối cùng đó là làm màu.

Một chiếc khuôn khô hoàn thiện
Một chiếc khuôn khô hoàn thiện

Anh Phạm Văn Định một người thợ với khoảng hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề chia sẻ: “Công đoạn khó và vất vả nhất cả quá trình đúc tượng là làm đất. Đất mua về phải được nhồi thật nhuyễn, dẻo, lọc sạch sạn trước khi lên khuôn. Khuôn để tạo hình tượng “Hưng Đạo Đại Vương” được làm bằng gỗ. Để quá trình tạo hình tượng không hư hỏng, mang tính thẩm mĩ, người đúc cần phải thường xuyên làm sạch các hoa văn họa tiết được khắc bên trong khuôn đúc”.

Ngay từ bước đầu tiên là làm khuôn, người thợ phải chuẩn bị 2 loại đất: đất tạo nét - đó là đất sét vàng trộn với chấu đã được đốt và nghiền nhuyễn giúp giữ những đường nét cho pho tượng.

Loại đất thứ 2 đó là đất sét vàng trộn với chấu sống để tạo độ dẻo đắp bên ngoài lớp đất tạo nét. Sau hai lớp đất đó là một lớp sắt để chia khuôn thành hai mảng riêng biệt, nó được uốn theo các đường nét của pho tượng, nó giống như sương sống để giữ cho các đường nét được chính xác.

Nồi nấu đồng
Nồi nấu đồng

Sau cùng là lớp đất sét vàng đắp bên ngoài để giữ những cây sắt đó nằm chặt bên trong khuôn. Khi hoàn thiện xong khuôn người thợ đem đi phơi nắng, đợi cho khô sau đó kiểm tra kĩ lưỡng những chỗ nào cần khắc phục rồi mới đem đi đốt khuôn cho tới khi nóng đỏ nhưng vẫn phải giữ được những đường nét và độ dẻo bên trong của khuôn.

Điều đó đòi hỏi kỹ thuật cao cũng như kinh nghiệm của những người thợ lâu năm nơi đây. Được biết để tạo ra một pho tượng “Hưng Đạo Đại Vương” trải qua bao nhiêu bước làm thì phải trải qua bấy nhiêu người thợ. Nghĩa là mỗi người thợ làm một bước chứ một người thì không thể tạo nên một pho tượng hoàn chỉnh.

Sau các công đoạn trên người thợ nấu đồng và đổ vào khuôn, theo kinh nghiệm thì luôn luôn phải đổ theo chiều hướng từ dưới lên trên để cho đồng được đều. Nguyên liệu sử dụng để đúc tượng “Hưng Đạo Đại Vương” là loại đồng đỏ.


Rót đồng nóng chảy vào khuôn

Rót đồng nóng chảy vào khuôn

Khi xong công đoạn đúc người thợ chuyển qua công đoạn đánh sáng hay còn gọi là công đoạn làm “nguội”. Điều đáng nói ở đây không phải ai cũng có thể làm được khuôn mặt của “Hưng Đạo Đại Vương”.

Sau quá trình nấu đồng bỏ vào khuôn sẽ ra sản phẩm
Sau quá trình nấu đồng bỏ vào khuôn sẽ ra sản phẩm

Theo anh Phạm Văn Định, để tạo được một khuôn mặt có hồn, mang khí phách của một người anh hùng nhưng trong đó lại chất chứa vẻ bao dung độ lượng đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao bên cạnh đó phải có cái tâm sáng, vững vàng và đức độ với nghề mới có thể làm được. "Tất cả những điều đó tạo nên sự khác biệt, độc đáo của làng nghề đúc tượng “Hưng Đạo Đại Vương” ở Ý Yên".

Theo một số người thợ chia sẻ để làm xong một pho tượng hoàn chỉnh với những đường nét tinh xảo, sắc nét có thể bày bán thì phải trải qua khoảng 10 ngày vì trong tất cả các khâu đều đòi hỏi sự tỷ mỉ, cẩn thận.

Công đoạn làm nguội tạo hình mặt của Hưng Đạo Đại Vương rất cầu kỳ và khó khăn
Công đoạn làm nguội tạo hình mặt của Hưng Đạo Đại Vương rất cầu kỳ và khó khăn

Sau khâu làm khuôn đúc, làm nguội thì pho tượng được trạm trổ và khảm thành phẩm. Cuối cùng pho tượng được trải qua công đoạn làm màu để tăng tính thẩm mỹ. Tuy nhiên theo yêu cầu của khách hàng mà tượng được làm các màu khác nhau, có người thích để nguyên màu đồng, có người thích khảm tam khí, có người lại thích mạ vàng.

Nhưng dù có làm như thế nào đi chăng nữa vẫn phải nổi bật lên khí phách của một người anh hùng trên những pho tượng cũng như phải giữ được nguyên dạng, tính chất của đồng. Để làm màu cho những pho tượng, người thợ đun sôi dung dịch sunfat đồng theo tỷ lệ màu mà khách yêu cầu rồi “tắm” cho tượng.

Sau khi “tắm” thì màu đồng của tượng sẽ tối đi và những đường nét khảm tam khí sẽ được sáng lên. Khi lớp làm màu đã khô, các nghệ nhân phủ một lớp nhũ bóng cuối cùng lên tượng để tránh vân tay cũng như tránh bay mất mầu khi trưng bày cũng như khi động vào nhiều.

Để tạo được một khuôn mặt có hồn, mang khí phách của một người anh hùng nhưng trong đó lại chất chứa vẻ bao dung độ lượng đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao bên cạnh đó phải có cái tâm sáng, vững vàng và đức độ với nghề mới có thể làm được
Để tạo được một khuôn mặt có hồn, mang khí phách của một người anh hùng nhưng trong đó lại chất chứa vẻ bao dung độ lượng đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao bên cạnh đó phải có cái tâm sáng, vững vàng và đức độ với nghề mới có thể làm được

Ông Dương Bá Tuyên, một người thợ với thâm niên chuyên làm “nguội” những pho tượng “Hưng Đạo Đại Vương” cho cả làng nghề đúc chia sẻ: “Riêng tượng Hưng Đạo Đại Vương ở đây sản xuất quanh năm nhưng chủ yếu đông nhất vẫn là thời điểm đầu năm và cuối năm.

Tượng được phân phối rộng khắp cả nước và được suất đi cả nước ngoài. Mỗi sản phẩm chính là sự tâm huyết và lòng nhiệt thành từ đôi bàn tay người thợ làng Vạn Điểm tạo nên. Đi đâu người ta cũng có thể dễ dàng nhận ra đây là tượng được đúc ở Ý Yên bởi sự độc đáo khó lẫn vào các sản phẩm của nơi khác làm.”

Việt Linh