Một bước tiến lớn về nhận thức của thế hệ trẻ

Bích Diệp

(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, năm nay TPHCM có trên 100.000 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng chỉ hơn 81.000 học sinh tham gia vào kỳ tuyển sinh lớp 10 vừa qua.

Một bước tiến lớn về nhận thức của thế hệ trẻ - 1

Khoảng 20.000 học sinh đã chủ động phân luồng như học tư thục, theo học nghề hay các kế hoạch du học. 

Cũng theo vị Phó Giám đốc Sở, nhiều học sinh khi học văn hóa không có hứng thú nhưng khi chuyển sang học nghề, các em học rất tốt, rất thành công.

Thông tin này nếu như đưa ra vào khoảng dăm bảy năm về trước có lẽ khiến không ít người cảm thấy khó tin.

Càng khó tin hơn đó là ở thời điểm hiện tại, có những học sinh khá, giỏi đã chủ động “rớt” khỏi lớp 10 bằng cách không tham gia kỳ tuyển sinh mà tham gia đào tạo nghề.

Ví dụ như con gái của anh Lê Văn Cương (nhà ở Củ Chi, TPHCM) có học lực khá, không quá khó để thi đỗ vào trường THPT gần nhà nhưng cháu lại đam mê công việc nấu ăn, pha chế nên học xong lớp 9, cháu muốn được theo học nghề trước.

Hay như theo chia sẻ của một nữ hiệu trưởng: “Tôi có cô học trò, em học tốt, nhất là tiếng Anh, có thể thi vào bất cứ trường THPT nào. Nhưng em đam mê và có hẳn kế hoạch Startup theo nghề nail (làm móng) ngay từ đầu những năm THCS. Từ năm lớp 8 em đã có kế hoạch, học xong lớp 9 sẽ đi theo học nghề nail”. (Dân Trí, 6/8/2020).

Thế hệ chúng tôi, thông thường, thanh, thiếu niên chỉ có một lộ trình định sẵn: Học hết cấp 2 thì sẽ cố gắng thi đỗ lên cấp 3, trầy trật kiểu gì cũng phải đỗ. Hết 3 năm cấp 3 lại tiếp tục thi lên đại học, cao đẳng.

Một thứ “định kiến” hình thành trong xã hội là chỉ có những cô cậu nào có học lực quá kém cỏi hay gia đình không có điều kiện về tài chính thì mới không thể theo học lên phổ thông, không cố gắng vào đại học. Dù rằng, các bạn cũng biết đấy, chuyện học nhầm trường, rồi tốt nghiệp xong không xin được việc làm, có người phải giấu bằng cấp đi mà xin vào làm lao động phổ thông, chạy xe ôm, làm giúp việc…

Hệ quả là, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” kéo dài. Nhiều sinh viên tốt nghiệp xong vẫn “ảo tưởng” về bằng cấp và ngộ nhận về năng lực thực sự của bản thân, không dám xông pha vào thực tế công việc. Xã hội lãng phí một nguồn lực không nhỏ.

Cho nên, khi đọc được những thông tin mà lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM đưa ra, tôi cảm thấy, dường như đang có một bước tiến lớn về nhận thức của thế hệ trẻ.

Một thực tế mà nhiều người ít tìm hiểu, đó là, thu nhập của những người học nghề nghiêm túc, bài bản không hề thua kém những người có bằng cấp cao (cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ).

Lấy ví dụ như ở Bình Dương hiện nay, những lao động trong lĩnh vực sơn, sửa ô tô có thể đạt được mức lương lên tới 25 triệu đồng/tháng. Sống với đam mê và có thu nhập chính đáng, đó là điều rất đáng tự hào!

Người xưa có câu “biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”. Việc các bạn trẻ sớm nhận ra được đam mê bản thân và năng lực của mình, xác định được đường hướng tương lai, đó là dấu hiệu tích cực. Sự chủ động và có trách nhiệm với cuộc đời mình là vô cùng cần thiết với các thế hệ làm chủ đất nước sau này.

Việc càng nhiều học sinh chọn rẽ hướng sang đào tạo nghề sau khi học xong THCS cũng sẽ giảm áp lực lên tâm lý phụ huynh.

Các bậc phụ huynh và học sinh sẽ bớt đi những gánh nặng về thành tích. Nếu quả thực lựa chọn vào lớp 10 PTTH không phù hợp với các em, nếu miễn cưỡng buộc các em khoác lên người chiếc áo không vừa ấy, chưa hẳn tương lai các em sẽ tốt hơn, và rồi nếu thất bại, các em dễ có tâm lý đổ lỗi và ỷ lại gia đình.

Tất nhiên, sẽ không một con đường nào là dễ dàng. Dù lựa chọn ra sao thì cũng phải xác định “học nữa và học mãi”, chỉ là, nếu không học ở nhà trường thì sẽ phải học trên thực tế mà thôi. Tôi tin rằng, khi thực sự nỗ lực, cố gắng và nghiêm túc với đam mê của bản thân, các em sẽ thành công trong lĩnh vực mà bản thân đã chọn.

Còn xã hội, sẽ có thêm những người thợ giỏi, những chuyên gia thực thụ thay vì những người cầm trên tay tấm bằng cử nhân, kỹ sư nhưng kiến thức tồi và rỗng tuếch.