Ngành LĐ-TB&XH và Giáo dục hợp tác phòng, chống ma tuý ở gần 2.000 cơ sở GDNN
(Dân trí) - Sáng 11/3, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Giáo dục và đào tạo đã tổ chức lễ ký thoả thuận về công tác dự phòng, cai nghiện ma túy đối với học sinh, sinh viên đến năm 2020.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, mục đích của việc hợp tác nhằm nâng cao nhận thức của nhà giáo và học sinh, sinh viên (gọi tắt là HSSV) về ma túy và tác hại của ma túy; từ đó, xây dựng các chương trình dự phòng nghiện ma túy phù hợp, biện pháp can thiệp hiệu quả đối với những HSSV sử dụng, lạm dụng và nghiện ma túy.
Trên cơ sở đó, hai bên cùng hướng tới mục tiêu thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ chính, như: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tập huấn chuyên sâu các văn bản quy phạm pháp luật; Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; Trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ yêu cầu công tác; nghiên cứu, khảo sát tình hình, đánh giá kết quả triển khai thực hiện ở các đơn vị, địa phương và tham vấn về chuyên môn, nghiệp vụ; Tổ chức các hội nghị, hội thảo và trao đổi, học tập kinh nghiệm; Phối hợp tổ chức thí điểm các mô hình dự phòng nghiện ma túy; Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác dự phòng nghiện ma túy.
Tới thời điểm này, Bộ LĐ-TB&XH đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm hơn 394 trường cao đẳng, 515 trường trung cấp, 1.045 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Về triển khai nhiệm vụ, Bộ LĐ-TB&XH giao cho Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo giao Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho lãnh đạo hai cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện;
Định kỳ Quý 4 hàng năm, hai cơ quan, đơn vị luân phiên chủ trì tổ chức giao ban, đánh giá tình hình, kết quả phối hợp và đề ra phương hướng, nhiệm vụ của năm tiếp theo; đồng thời tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm sau khi kết thúc chương trình phối hợp này vào cuối năm 2020.
Đánh giá về ý nghĩa của việc hợp tác, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tại Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, ma tuý đã và đang tạo nên những vấn đề nhức nhối cho học sinh, sinh viên nói riêng và toàn xã hội nói chung. Thực tế này đòi hỏi sự nỗ lực phòng chống của nhiều ban, bộ ngành và toàn xã hội.
Việc ký kết giữa hai Bộ nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng chống ma túy, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về tác hại của ma túy và những hệ lụy của ma túy” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết.
Hoàng Mạnh