Bình Định:
Mô hình gia công linh kiện điện tử giúp nhiều phụ nữ nông thôn thoát nghèo
(Dân trí) - Là cán bộ hội phụ nữ phường Hoài Tân (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), chị Kiều tự tìm học và đưa nghề gia công linh kiện hàng điện tử, giúp nhiều chị em phụ ở địa phương có việc làm thu nhập ổn định.
Điểm sáng tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn
Gần 4 năm qua, mô hình gia công linh kiện hàng điện tử của chị Nguyễn Thị Minh Kiều (37 tuổi, ở khu phố Đệ Đức 3, phường Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) làm tổ trưởng ngày nào cũng bận rộn công việc.
Ngoài 12 chị em phụ nữ làm thường xuyên tại cơ sở, hàng ngày còn có hàng chục chị em từ các phường lân cận đến giao và nhận hàng về làm gia công tại nhà.
Chị Kiều chia sẻ, bản thân chị là một phó chủ tịch hội phụ nữ phường thuần nông, thông qua các hoạt động ở cơ sở, điều làm chị trăn trở là cuộc sống của nhiều hội viên trong hội còn gặp không ít khó khăn
“Hầu hết, các chị em làm nghề nông, công việc bấp bênh chạy ăn từng bữa. Chính điều đó đã thôi thúc tôi tìm kiếm việc làm để tăng thu nhập cho chính mình, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho chị em phụ nữ trong hội”, chị Kiều nói.
Thế rồi, chị Kiều khăn gói vào Bình Dương vừa học, vừa làm cho một công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử. Thời gian đó, chị nhận thấy nghề gia công linh kiện hàng điện tử phù hợp với chị em nông thôn tranh thủ thời gian nông nhàn.
Sau khi thực hiện các cam kết với công ty và được đối tác tạo mọi điều kiện hỗ trợ 12 máy quấn dây đồng FR01-80 tự động, 20 máy quấn dây đồng bằng tay và nguyên liệu để chị đưa về quê hướng dẫn cho chị em phụ nữ địa phương gia công mặt hàng này kiếm thêm thu nhập.
Chị Kiều cho biết, ngày đầu khai trương, cơ sở chưa tới 10 chị em trong xóm tham gia. Nhưng đến nay, thu hút trên 50 chị em có công ăn việc làm ổn định thu nhập trung bình từ 3-6 triệu đồng/tháng.
Chị Trịnh Thị Sâm (40 tuổi, ở khu phố An Dưỡng) - thành viên lâu năm của mô hình, phấn khởi: “Từ ngày tham gia học nghề và làm gia công mặt hàng này, gia đình tôi có thêm một nguồn thu nhập khá ổn định, vừa trang trải cuộc sống, vừa nuôi 2 con nhỏ ăn học.
Ban đầu, ngồi trước máy quấn dây đồng tự động thao tác chưa thuần thục nên giá trị sản phẩm trong ngày chỉ đạt từ 60-80 ngàn đồng. Đến nay, gần 4 năm làm việc tại cơ sở, tay nghề của tôi vững vàng hơn trước, gia công được nhiều mẫu mã, linh kiện hàng khác nhau nên thu nhập cũng tăng dần lên từ 3 triệu năm 2017 tăng lên 7 triệu đồng/tháng từ cuối năm 2018 đến nay”
Tạo việc làm cho phụ nữ, học sinh nghèo
Cơ sở gia công linh kiện hàng điện tử của chị Kiều không chỉ tạo việc làm cho chị em phụ nữ Hoài Tân mà còn giúp cho trên 10 chị em ở các phường Hoài Xuân, Bồng Sơn và các em học sinh tại địa phương đến học nghề và nhận hàng về làm gia công tại nhà.
Từ năm 2018 đến nay, chị Dương Thị Thủy (40 tuổi, ở khu phố Thiết Đính Nam, phường Bồng Sơn) - chuyên nhận hàng gia công bằng máy quay tay từ cơ sở của chị Kiều vui vẻ nói: “Nhờ chị Kiều hướng dẫn chỉ nghề và tin tưởng giao máy về nhà gia công đã giúp cho gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Nghề này tranh thủ được mọi thời điểm rảnh rỗi trong ngày, những lúc vào mùa vụ gieo trồng và thu hoạch lúa, tôi tranh thủ làm đêm”.
Trung bình mỗi tháng ít nhất chị cũng gia công được từ 1 đến 1,5 triệu con hàng tay, thu nhập trên 2,5 triệu đồng. Với người phụ nữ nông thôn chủ yếu làm ruộng như chị, có được khoản thu nhập ổn định trên là niềm mơ ước.
Còn em Châu Thị Anh (học sinh lớp 10 trường THPT Tăng Bạt Hổ) thì biết làm nghề này từ khi còn là học sinh lớp 7. Là người cùng khu phố, thấy gia cảnh khó khăn của gia đình em, cha mất sớm, mẹ phải cật lực ngược xuôi nuôi 3 anh em ăn học nên chị Kiều tạo điều kiện nhận và chỉ dạy nghề thành thạo giúp em.
Nếu trong những ngày hè, trung bình mỗi ngày, giá trị sản phẩm gia công em làm ra từ 150 -180 ngàn đồng.
“Nhờ cô Kiều thương tình cưu mang giúp đỡ em mới có thêm chi phí trang trải học tập và phụ thêm cho mẹ lo cho hai em, em rất biết ơn cô”, em Châu Thị Anh chia sẻ.
Chị Kiều cho biết, lúc mới làm cơ sở chỉ làm được khoảng 10 loại hàng khác nhau, đến nay cơ sở đã làm được hơn 30 loại con hàng. Trung bình mỗi tuần xuất 2 lần hàng, mỗi lần xuất gần 20-30 triệu con hàng các loại cho công ty. Bình quân 1 tháng cơ sở xuất trên dưới 150 triệu hàng làm bằng tay và hàng máy.
Sản phẩm làm ra đúng mẫu mã, đảm bảo chất lượng, giao hàng đúng hẹn cho đối tác. Nhờ vậy, mà cơ sở đã tạo dần được uy tín và niềm tin với đối tác nên thường xuyên nhận được đơn giao hàng ngày càng nhiều. Theo đó, lợi nhuận của cơ sở cũng tăng dần theo hàng năm từ 100 triệu đồng năm 2016 tăng lên 200 triệu đồng năm 2019.
Đặc biệt, nhờ hoạt động sản xuất và thu nhập của thành viên trong mô hình ổn định, chị Kiều đã vận động thành lập được 1 tổ tiết kiệm đoàn kết từ trong mô hình. Hàng tháng, tùy theo thu nhập, mỗi chị tự nguyện đóng góp từ 300 -500 ngàn đồng để làm quỹ tương trợ giúp cho chị em sửa chữa lại nhà cửa hay khi gặp khó khăn, hoạn nạn đột xuất. Việc làm này được tất cả thành viên trong mô hình đồng tình hưởng ứng.
Theo bà Nguyễn Thị An, Chủ tịch Hội LHPN phường Hoài Tân, nhờ sự hỗ trợ, động viên khích lệ của Hội LHPN phường, mô hình gia công linh kiện hàng điện tử được thành lập 2016, đến nay thực sự mang lại hiệu quả kinh tế đã giúp cho nhiều phụ nữ địa phương có việc làm thường xuyên thu nhập ổn định. Đây là một mô hình tiêu biểu, cần được tuyên truyền nhân rộng trên địa bàn.
Với nỗ lực trên, tại Hội nghị hội nghị điển hình tiên tiến thị xã Hoài Nhơn lần thứ V (giai đoạn 2020-2025) chị Nguyễn Thị Minh Kiều được tuyên dương vì “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020 - 2025”.