Mô hình đào tạo giáo viên truyền thống đã lỗi thời?
Nhằm nâng cao chất lượng giáo viên (GV) phổ thông, nhiều chuyên gia đề xuất thay đổi mô hình đào tạo sư phạm (SP) cũng như thiết kế cho giáo sinh xuống trường phổ thông thực tập nhiều hơn.
“3 + 1” tốt hơn truyền thống
Hiện nay, các trường đào tạo GV trong nước đang đi theo một trong 2 mô hình: Song song (truyền thống) và tiếp nối (2 giai đoạn). Theo giải thích của ông Bùi Văn Quân – Hiệu trưởng Đại học (ĐH) Thủ đô Hà Nội, đào tạo theo truyền thống vừa có khoa học cơ bản và chuyên ngành, vừa có SP. Trong khi đó, mô hình tiếp nối gồm khoa học cơ bản và chuyên ngành trước, sau đó đào tạo nghề SP.
Mô hình này gồm 2 hình thức: Thứ nhất là có định hướng (3 năm học khoa học cơ bản + 1 năm học nghiệp vụ SP) áp dụng đối với sinh viên (SV) thi vào ngành SP và trúng tuyển tại cơ sở đào tạo ĐHSP; Thứ hai là không định hướng (4 + 1) áp dụng cho SV tốt nghiệp các ngành khác, có nhu cầu đào tạo SP.
Trường ĐH chuyên về SP hoặc có ngành đào tạo SP theo xu hướng tiếp nối hiện đang được một số nước áp dụng, vì muốn chuẩn bị cho SV tư thế và kiến thức chuyên ngành thật tốt. Như vậy, chắc chắn việc thực tập nghề của giáo sinh sẽ thực chất và mang lại hiệu quả cao, thay vì ngồi dự giờ. Mô hình đào tạo này đang được ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện có kết quả tốt.
Ông Lê Kim Long – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Với điều kiện đào tạo GV của ĐH Giáo dục từ năm 1999 đến nay, SV ra trường được xã hội chấp nhận. Bởi trong 3 năm đầu, SV SP học tại các ngành khoa học cơ bản ở các trường, khoa thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Đến năm cuối, các em mới về ĐH Giáo dục để được đào tạo SP và khoa học giáo dục. “Như vậy, trong năm cuối có rất nhiều thứ phải học, nhưng SV tiếp thu rất tốt. Tôi nhận thấy mô hình "3 + 1" rất hiệu quả” – ông Long khẳng định.
Đào tạo song song vẫn còn tác dụng
Trái ngược với ý kiến của nhiều chuyên gia, bà Trần Thị Huệ - ĐH Thủ đô Hà Nội dẫn chứng mô hình đào tạo GV phổ thông tại Israel – một trong những quốc gia có nền giáo dục phát triển trên thế giới, để khẳng định quan điểm đào tạo theo truyền thống chưa lạc hậu: Đào tạo song song 2 khối kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ SP là mô hình quan trọng nhất tại Israel với 34.541 học viên theo học tại các trường cao đẳng SP trong năm 2014 – 2015.
Trong khi đó, mô hình chuyển tiếp, đào tạo thêm chứng chỉ nghiệp vụ SP cho cử nhân đã hoàn thành một chương trình ĐH khác chỉ có 7.236 học viên. Chương trình đào tạo GV mô hình song song được Bộ GD&ĐT Israel quy định kéo dài 4 năm, trong đó năm cuối chủ yếu thực tập SP, nhưng cách thực tập khác Việt Nam. Cụ thể, thời gian SV SP có mặt ở trường phổ thông được chia làm 2 giai đoạn.
Từ năm thứ nhất tới năm thứ ba là “Thực tế SP”, năm thứ tư là “Thực tập SP”. Phần thực tập không được tính giờ trong chương trình đào tạo, nhưng SV phải hoàn thành các yêu cầu mới được nhận giấy phép giảng dạy.
“Cần tăng thời gian thực tập SP tại trường phổ thông và phân bố đều trong suốt khóa học. Ví dụ 1 ngày/tuần trong năm thứ nhất, 2 ngày/tuần/trong năm hai và ba) thay vì thực tập liên tục trong khoảng thời gian ngắn như hiện nay” - bà Huệ đề nghị.
Đồng tình 2 mô hình đào tạo truyền thống và nối tiếp đều mang lại hiệu quả, nhưng ông Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội đề nghị không nên cứng nhắc theo một hướng. Cả hai mô hình đều có phải có điều chỉnh cho phù hợp với việc nâng cao chất lượng đào tạo GV.
Tuy nhiên, ông Vỳ nghiêng về mô hình đào tạo song song vì gắn với nghiệp vụ SP. Đào tạo SP phải gắn chặt với các trường phổ thông, vì thế chương trình thiết kế làm sao để SV năm thứ nhất được tiếp cận với nghề đang theo học. Như thế, SV sẽ biết đang yếu những kiến thức, kỹ năng gì, cũng như được truyền tình yêu nghề trong mỗi lần đi thực tập SP.
Theo Kinh tế đô thị