1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Mô hình cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhận “đỡ đầu” hộ nghèo ở Bạc Liêu

(Dân trí) - Để góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai mô hình cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhận “đỡ đầu” cho hộ nghèo.

70 đơn vị nhận “đỡ đầu” hơn 2.000 hộ nghèo

Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong công tác giảm nghèo thì giải pháp giảm nghèo là một nhiệm vụ rất quan trọng.

Một trong những giải pháp được đánh giá cao trong thời gian qua của tỉnh Bạc Liêu là mô hình phân công các Sở, Ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các đơn vị, doanh nghiệp và các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là đơn vị) nhận “đỡ đầu” hộ nghèo.

Mô hình cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhận “đỡ đầu” hộ nghèo ở Bạc Liêu - 1

Một đơn vị trao phương tiện sản xuất (gà con) cho các hộ nghèo ở Bạc Liêu.

UBND tỉnh Bạc Liêu giao hẳn chỉ tiêu số hộ nghèo cho từng đơn vị nhận “đỡ đầu”. Từ đây, các đơn vị có kế hoạch hỗ trợ, giúp hộ nghèo theo điều kiện của đơn vị mình, với phương châm “không bỏ ai ở lại phía sau”.

Theo Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu, trong năm 2020, có 70 đơn vị nhận giúp đỡ 2.076 hộ nghèo; trong đó cấp tỉnh và doanh nghiệp nhận 409 hộ, cấp huyện nhận 1.667 hộ.

Đơn cử như Bảo hiểm xã hội Bạc Liêu nhận 5 hộ ở huyện Hồng Dân; Điện lực Bạc Liêu nhận 10 hộ ở thị xã Giá Rai; Cục thuế Bạc Liêu nhận 10 hộ ở huyện Vĩnh Lợi; Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu nhận 5 hộ ở huyện Đông Hải; Trường Đại học Bạc Liêu nhận 8 hộ ở huyện Hòa Bình;…

Bà Trần Hồng Chiến, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu đánh giá, mô hình phân công các đơn vị nhận “đỡ đầu” cho hộ nghèo là một trong những giải pháp rất thiết thực, hiệu quả.

Nếu như cuối năm 2015 tỉnh Bạc Liêu có 30.855 hộ nghèo (chiếm 15,55%) thì đến cuối năm 2019 còn 3.086 hộ (chiếm 1,38%), bình quân mỗi năm giảm 3,02% (chỉ tiêu là 2%/năm).

Riêng chỉ tiêu mà tỉnh Bạc Liêu đề ra trong năm 2020 là phấn đấu giảm dưới 1% hộ nghèo, với khoảng 2.076 hộ (cụ thể giảm 0,94%). Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm sẽ còn 0,45%.

Trao “cần câu” để tự vươn lên thoát nghèo

Chia sẻ với PV Dân trí về giải pháp, bà Trần Hồng Chiến cho biết, với Sở LĐ-TB&XH, khi nhận “đỡ đầu” hộ nghèo, Sở thành lập hẳn một Tổ do một Phó giám đốc Sở phụ trách. Tổ này phân công cán bộ xuống trực tiếp các hộ nhận “đỡ đầu” để khảo thực tế nhằm tiếp cận thông tin cụ thể nhất.

Trong chỉ đạo của tỉnh, ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, các đơn vị nhận giúp đỡ hộ nghèo quan tâm những hộ chí thú làm ăn và phấn đấu vươn lên thoát nghèo để hỗ trợ.

Riêng các hộ lười lao động, kém ý thức tự vươn lên thoát nghèo thì giao địa phương giáo dục, khi họ thay đổi nhận thức thì mới tiếp cận giúp đỡ.

Sau đó, Tổ sẽ có kế hoạch hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế. Theo bà Chiến, thường thì không trao tiền mặt để làm ăn mà chủ yếu là trao mua phương tiện sản xuất như con giống, cây trồng,... phù hợp với nhu cầu của hộ gia đình.

“Chẳng hạn gia đình có miếng đất trống thì mình xem có thể chăn nuôi con gì hoặc trồng trọt gì được không. Từ đó, đơn vị tư vấn cho hộ dân cách để sử dụng hiệu quả mảnh đất trống này thông qua phương tiện sản xuất đó”, bà Chiến ví dụ thực tế.

Với những hộ nào có người còn trong độ tuổi lao động thì đơn vị tư vấn, hỗ trợ chi phí cho học nghề. Sau đó, tạo điều kiện giới thiệu việc làm để bản thân đảm bảo được cuộc sống, rồi có thêm thu nhập cho gia đình.

Mô hình cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhận “đỡ đầu” hộ nghèo ở Bạc Liêu - 2

Một đơn vị đến tận nhà dân để trao tặng hỗ trợ chăn nuôi gà.

“Nguồn kinh phí có từ việc vận động cán bộ, người lao động của đơn vị tiết kiệm tối thiểu 1.000 đồng/ngày. Nếu thiếu thì vận động thêm từ tiền lương. Qua việc này, cũng ghi nhận được ý thức tiết kiệm của cán bộ, người lao động”, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu chia sẻ.

Bà Trần Hồng Chiến cho biết thêm, trong quá trình nhận “đỡ đầu”, cứ khoảng 2-3 tháng thì đơn vị cử người xuống thăm hỏi gia đình xem thế nào, việc hỗ trợ có hiệu quả hay không, để từ có phương án điều chỉnh kịp thời nhất.

“Trong năm 2018, Sở LĐ-TB&XH nhận “đỡ đầu” 14 hộ, còn trong năm 2019 là 10 hộ, tất cả những hộ này đến nay đều cơ bản đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống”, bà Chiến nói.

Tại Hội Chữ thập đỏ huyện Vĩnh Lợi, năm 2020 đơn vị được phân công nhận “đỡ đầu” 2 hộ nghèo. Sau khi phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát các hộ nghèo ở thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi), đơn vị đã trao hỗ trợ để mua phương tiện sản xuất.  

“Có hộ chỉ có 2 vợ chồng đang sinh sống, đã lớn tuổi, thấy gia đình có thể chăn nuôi nên đơn vị đã trao hỗ trợ kinh phí mua 50 con vịt để nuôi, tạo điều kiện cho gia đình không mất nhiều sức lao động và sớm có thêm thu nhập ổn định, thoát nghèo thời gian tới”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Vĩnh Lợi Tào Thanh Điền cho hay.

Qua mô hình này cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục, đó là ý thức trong lao động, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại của các hộ nghèo. "Kiểu như chỉ trao cần câu, hướng dẫn phương pháp, còn việc câu cá là của hộ dân, qua đó họ tự giác vươn lên làm ăn, nâng cao thu nhập của mình", một cán bộ ví von. 

Qua ghi nhận của PV Dân trí, đến nay hầu hết các đơn vị cấp tỉnh, huyện của tỉnh Bạc Liêu đã và đang nhận ”đỡ đầu” hộ nghèo theo chỉ tiêu đề ra bằng nhiều phương thức giúp đỡ khác nhau. 

Nhìn chung, bước đầu đã cho thấy hiệu quả của mô hình khi các hộ nghèo đều nhận được sự quan tâm của các đơn vị, biết vươn lên khó khăn, chí thú làm ăn, góp phần đảm bảo đời sống trước mắt, cũng như lâu dài sau khi có thể thoát nghèo.