Mo cau... xuất ngoại
(Dân trí) - Mo cau, thứ phế phẩm nông nghiệp tưởng chừng bỏ đi lại trở thành sản phẩm xuất ngoại mang về nguồn thu hàng trăm triệu đồng.
Cách đây hơn 2 năm, người dân huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) bất ngờ khi thấy chàng trai trẻ đến từng nhà hỏi mua mo cau. Mỗi chiếc mo cau loại lớn, lành lặn được mua với giá 1.000 đồng.
Lúc đầu nhiều người cứ tưởng chuyện đùa, nhưng hóa ra lại thật. Mặt khác, với nhu cầu mua mo cau với số lượng rất lớn, người trồng cau lại có thêm khoản thu nhập từ thứ mà trước giờ chỉ bỏ đi.
"Hồi đó mình đến mua mo cau mà nhiều người không tin. Giờ thì có đại lý thu mua giúp luôn", anh Nguyễn Văn Tuyến, 38 tuổi, chia sẻ.
Nguyễn Văn Tuyến quê ở tỉnh Phú Yên. Tốt nghiệp trường đại học Giao thông vận tải, nhưng anh lại rẽ ngang sang con đường kinh doanh bằng các phế phẩm nông nghiệp. Anh từng có nhiều dự án khởi nghiệp từ phế phẩm nông nghiệp. Nhưng phải đến năm 2019, anh mới tìm được hướng đi đúng cho mình.
Năm đó, Tuyến vô tình đọc được một tài liệu về các sản phẩm thân thiện môi trường từ mo cau ở Ấn Độ. Càng tìm hiểu, anh càng nhận thấy triển vọng từ việc sản xuất các vật dụng phục vụ sinh hoạt từ mo cau.
"Nếu thành công sẽ mang lại lợi ích cho chính mình, lại tăng thu nhập cho người trồng cau, vừa bảo vệ môi trường. Vậy tại sao không thử?", Tuyến nói và cho biết, anh phải bỏ nhiều tháng liền để đi khảo sát vùng cau Quảng Ngãi, cũng như tìm hiểu về máy móc sản xuất.
Cuối năm 2019, Nguyễn Văn Tuyến quyết định xây dựng cơ sở sản xuất tại huyện Nghĩa Hành, một trong những vùng trồng cau lớn nhất Quảng Ngãi. Anh nhập máy móc từ Ấn Độ về lắp ráp, cải tiến cho phù hợp với yêu cầu sản xuất.
Mo cau được chà rửa sạch sẽ, ngâm nước cho mềm, để ráo và đưa vào khuôn ép nhiệt tạo hình. Tùy vào yêu cầu của khách hàng, cơ sở chế tạo các loại khuôn ép khác nhau. Do đó, sản phẩm được ép ra sẽ có hình dáng đa dạng, có thể in được hình ảnh lên sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.
Hiện cơ sở sản xuất có 5 máy ép, mỗi máy có 5 khuôn. Trung bình mỗi ngày một máy có thể ép được 1.000 sản phẩm gồm các chủng loại như đĩa hình chữ nhật, đĩa tròn, thìa, muỗng, chén. Sau khi ép, sản phẩm được diệt khuẩn bằng máy chiếu tia UV rồi đóng gói.
Lúc đầu, anh Tuyến đưa sản phẩm của mình đến triển lãm ở các hội chợ để giới thiệu sản phẩm. Rất nhanh, sản phẩm độc đáo từ mo cau đã tạo được tiếng vang với nhiều đơn hàng. Đơn hàng đầu tiên khẳng định sự thành công của sản phẩm chén, đĩa mo cau đến từ một hãng hàng không lớn. Đơn vị này đã đặt hàng nghìn sản phẩm để phục vụ cho hành khách ở khoang thương gia.
Thành công nối tiếp thành công, những đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Ba Lan… liên tiếp được ký kết. Năm 2021, anh Tuyến mở rộng sản xuất, thuê thêm lao động. Lúc cao điểm, cơ sở này tạo việc làm cho 10-12 lao động với mức thu nhập 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Vân là lao động thường xuyên của cơ sở sản xuất sản phẩm từ mo cau từ khi thành lập đến nay. Theo chị, việc vận hành máy khá đơn giản, công việc khá nhẹ nhàng nhưng thu nhập cao.
"Công việc rất nhẹ nhàng, phù hợp với lao động nữ. Lúc hàng nhiều thì thu nhập mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng. Ở quê mà thu nhập vậy là cao, sống khỏe lắm", chị Vân cho biết.
Những ngày cuối năm, cơ sở sản xuất của anh Tuyến vẫn duy trì sản xuất đảm bảo đơn hàng đi Canada. Chỉ riêng trong năm 2022, thương lái đặt đến 200 nghìn chén, đĩa mo cau xuất sang thị trường này.
Theo anh Tuyến, chén, đĩa mo cau khá đẹp với giá 1.000-6.000 đồng mỗi sản phẩm. Đây là sản phẩm bảo vệ môi trường, khá độc đáo nên thị trường nước ngoài rất ưa chuộng. Do đó lượng hàng xuất khẩu chiếm đến 90%, giúp cơ sở sản xuất có doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
"Sản phẩm này có thể làm theo kiểu dáng, in các hình ảnh theo yêu cầu của khách hàng. Mặt khác, sản phẩm từ mo cau đều được gửi mẫu kiểm nghiệm đảm bảo yêu cầu xuất khẩu. Do đó đối tác nước ngoài rất hài lòng khi sử dụng sản phẩm từ mo cau của Việt Nam", anh Tuyến chia sẻ.
Theo ông Phạm Quốc Vương - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nghĩa Hành, huyện Nghĩa Hành là một trong những địa phương có diện tích trồng cau lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Lâu nay, mo cau hầu như không có giá trị sử dụng. Nay nhờ cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Văn Tuyến thu mua mo cau mà người nông dân có thêm thu nhập.
Sản phẩm từ mo cau khá độc đáo, vừa an toàn cho người sử dụng vừa góp phần bảo vệ môi trường. Do đó, việc sản xuất các sản phẩm phục vụ đời sống từ mo cau là hướng đi đầy triển vọng.
"Chén, đĩa từ mo cau là một trong những sản phẩm nổi bật của huyện Nghĩa Hành. Thời gian tới, địa phương sẽ tạo điều kiện để cơ sở này tiếp tục phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động", ông Vương nói.