1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Mệt mỏi khi sếp độc thân chăm... sai vặt việc nhà

Hoài Nam

(Dân trí) - Cuối tuần qua chở mẹ sếp đi chùa, sang chăm sóc mấy con chó nhà sếp... Việc riêng tư của nhà sếp làm Hằng và nhiều nhân viên ức chế.

Cuối tuần này, lẽ ra cùng nhóm bạn đi dã ngoại ở Cần Giờ nhưng Nguyễn Thu Hằng (25 tuổi, nhân viên tại một công ty quảng cáo ở Bình Thạnh, TPHCM) bị sếp giao... sang nhà chăm mấy con chó. Nhà sếp có giúp việc nhưng đợt này, giúp việc cũng đi cùng về quê. 

Không thường xuyên nhưng đây cũng chẳng phải việc xa lạ với Hằng và một số nhân viên trẻ chưa có gia đình trong cơ quan. Sếp không có chồng, neo người nên có việc gì trong nhà, chị đều gọi nhân viên. 

Từ chăm chó, sửa nhà, mua sắm, giỗ chạp, ăn uống, có món gì ngon... chị đều điều động nhân viên đến sum vầy như người nhà, xem như đó là mệnh lệnh, như người trong nhà. Có lúc, sếp còn gọi nhân viên đến chở giúp việc nhà sếp đi siêu thị. 

Mệt mỏi khi sếp độc thân chăm... sai vặt việc nhà - 1

Sếp chỉ quan tâm đến vấn đề của mình, xem nhẹ mọi lý do của người khác. Ai từ chối sẽ bị vặn vẹo, hỏi đủ thứ như: em đang ở đâu, làm gì, hoãn việc đấy đi... làm mọi người ngộp thở. 

Hằng kể, gần đây, sếp đưa mẹ ở quê lên sống cùng thì nhân viên lại có thêm một người để phục vụ. Từ việc chở bà đi chơi, đi khám, đi chùa, kể cả sáng hay trưa nhân viên cũng có thể bị "điều" đi mua đồ ăn qua cho ngoại hay cuối tuần, qua ăn cơm cùng cho ngoại vui. 

Khi sếp đi công tác, nhân viên đôi khi còn bị điều qua ngủ cùng mẹ sếp.

"Nhiều khi đang chơi với bạn trai, hay có kế hoạch riêng, mình cũng phải phi qua nhà sếp vì những việc như vậy. Rất ức chế nhưng thật sự không dễ từ chối", Hằng nói. 

Chị Trần Thị Dung, kế toán tại Q.5, TPHCM kể: "Nhân viên chỗ mình cũng mệt mỏi với vị giám đốc ly hôn vợ, nuôi hai đứa con vì chỉ đạo cả việc riêng.  Việc gì của con, ông cũng gọi cho nhân viên như mua quần áo, đưa đón đi học, đi chơi cuối tuần, đọc sách, dạy học... như thể đó là một phần công việc".

Ban đầu, nhiều người cũng nhiệt tình qua lại vì nghĩ cảnh sếp một mình nuôi con. Nhưng dần dà, nhiều người bắt đầu mệt mỏi vì ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Cả ngày làm việc với sếp, đến khi hết giờ làm, rời khỏi công ty cũng không thoát được.  

Nhất là nhân viên nữ, họ rất ái ngại khi bị sếp nam, lại không có vợ nhờ những việc riêng tư, dù có thể sếp không có ý xấu. Trong mắt nhiều người hay qua đội "bà tám" ở công sở, có khi câu chuyện trở nên nhạy cảm. 

Mệt mỏi khi sếp độc thân chăm... sai vặt việc nhà - 2

Nhiều nhân viên mệt mỏi vì bị sếp sai việc nhà (Ảnh minh họa)

Thế nên mới có chuyện, chồng của cô lễ tân từng ghen tuông vì mấy lần vợ mua quần áo cho con sếp, qua đón con sếp đi chơi. 

Chính vì công việc và riêng tư nhập nhằng nên có nhân viên bị lôi ra giữa cuộc họp phê bình, nhắc nhở với lý do này nọ. Còn mọi người đều biết, sếp bực mình vì gọi điện nhờ đi đón con mà anh chàng này dám từ chối. 

Nguyễn Thu Hằng thừa nhận sếp độc thân, ít vướng bận việc gia đình, có lợi thế là tập trung được nhiều thời gian, công sức cho công việc. 

Tuy nhiên, nhiều người lại đưa "quyền lực" của mình vào mối quan hệ ngoài công việc, làm phiền đến nhân viên mà vẫn cho rằng đó là điều bình thường. 

Chưa kể, có trường hợp sếp nhà neo người, thiếu thốn tình cảm nên nhiều người dùng nhân viên như một sự bù đắp vào đó. 

Hằng cho biết, nhân viên ở chỗ mình còn khó có người yêu xuất phát từ tư tưởng độc thân của sếp và thời gian ngoài công việc cũng bị sếp "tận dụng". 

Có hai chị nhân viên lớn tuổi thân cận với sếp năm nay hơn 35 tuổi không yêu đương gì, một số người bức xúc chịu không nổi nên nghỉ việc. Còn Hằng, sắp tới cô cũng tính nghỉ việc dù công việc phù hợp với chuyên môn, thu nhập cao. 

Bất kể người lãnh đạo nào, trong ứng xử với nhân viên, cần đặt giới hạn, nguyên tắc giữa công việc và việc riêng, trên một tinh thần cốt lõi là sự tôn trọng.