1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Sếp "ác khẩu" nữ nhân viên vẫn gắn bó... cả chục năm

Hoài Nam

(Dân trí) - Nhân viên quen với việc vị giám đốc buông lời ác nghiệt, chửi tối tăm mặt mũi, không ngấc đầu lên nổi. Nhiều người dứt áo ra đi nhưng cũng không ít người vẫn gắn bó.

Phát khóc vì... sếp "ác khẩu"

Nhiều năm nay, gần trăm nhân viên từ bảo vệ cho đến trợ lý, trưởng phòng một công ty dịch vụ xuất nhập khẩu ô tô, có cơ sở ở Q. Thủ Đức, Bình Thạnh đã thuộc làu làu những bài từ chửi thề cho đến "tế cả dòng họ tổ tiên" của vị giám đốc gần 50 tuổi. 

Lê Mỹ Duyên, trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng làm việc tại đây kể, chỉ cần vào làm vài hôm là mọi người quen ngay với việc vị sếp vẻ ngoài rất đạo mạo, đẹp trai, lịch sự quản lý, giáo dục nhân viên bằng những ngôn từ chửi bới loạn xà ngầu. 

Sếp ác khẩu nữ nhân viên vẫn gắn bó... cả chục năm - 1

(Ảnh minh họa)

Từ xưng hô mày tao, dùng những động từ mạnh mang tính xúc phạm, con mặt này thằng mặt kia, lôi bố mẹ ông bà ra cho đến cả việc dùng những ngữ... chỉ để chỉ súc vật.

Từ chửi thẳng mặt hay chửi qua tin nhắn, điện thoại, chửi công khai qua nhóm chat riêng trên mạng của công ty.

Có lần, mẹ của cô bé lễ tân đến văn phòng chơi. Đúng lúc sếp đang chửi, nghe xong bèn kéo tay con gái ra khỏi công ty, bắt bỏ việc luôn. 

Không ít bạn nữ trẻ đẹp, xin vào vị trí trợ lý, thư ký, mới đầu còn tự tin: Anh nào mà nỡ làm tổn thương bọn em? Chỉ vài hôm sau, nghe sếp chửi, có người đã khóc sưng mắt mũi, có người bỏ việc ngay. 

Cô trợ lý xinh đẹp, lần cùng sếp gặp khách hàng. Ngay giữa quán cà phê đông người, sếp chửi cho te tua, cúi mắt, không ngước nổi đầu lên. 

Mỹ Duyên chia sẻ, lần cô đến phỏng vấn, giám đốc cũng rào trước, miệng anh hay chửi bậy. Nhưng vào làm cô vẫn bị sốc, tính nghỉ việc ngay rồi sau đó lại cân nhắc lại.

Nhiều người dứt áo ra đi nhưng cũng nhiều người gắn bó từ ngày thàn lập công ty. Riêng Duyên, cũng đã có thâm niên gần 10 năm làm việc tại đây. 

Tùy khả năng chịu đựng

Duyên cho biết, ai làm lâu năm đều hiểu, sếp chửi như để hạ hỏa trong người, nóng lên không ngưng lại được. Nhiều người "ruột để ngoài da" thì đây, ông tuôn cả những điều... không nghĩ trong đầu. 

Chửi xong sau đó kiểu gì ông cũng trực tiếp gặp hoặc nhắn tin xin lỗi, hối lỗi, rồi hứa rồi thề đủ kiểu. Vài hôm sau lại y như cũ. 

Ngoài thói "ác khẩu", sếp cũng có rất nhiều điểm mạnh. Ông là người có đầu óc, nhanh nhạy, nắm thời cơ rất tốt. Trong công việc, ông rất kỹ lưỡng, tỉ mỉ nên tiêu chuẩn làm việc rất cao và cũng đòi hỏi cao nên nhân viên học được rất nhiều điều hay. 

Ai cũng phải thừa nhận, sếp là người rất hào phóng. Không chỉ là chuyện trả lương, thưởng, ông còn hay còn "phóng tay" cho tiền nhân viên theo cảm hứng. 

Khi nhân viên, người thân của họ gặp sự cố như tai nạn, ốm đau ông cũng tất cả lo đủ thứ. 

Ghi điểm nhất là những việc ông làm vì cộng đồng. Ông đi từ thiện khắp nơi, từ lo cho người nghèo, học sinh khó khăn, hay nơi nào có thiên tai lũ thụt... Ông đều lăn xả góp sức mình. 

"Sếp hào sảng nên lên tiếng kêu gọi được rất nhiều người chung sức, tin tưởng. Ông làm được bao nhiêu cho bấy nhiêu, chả giữ gì nhiều cho mình", Duyên tâm tư. 

Duyên yêu công việc ở đây, không quá áp lực, thu nhập khá. Đồng nghiệp lâu năm thường tự nói với nhau: "Chấp gì cơn điên của sếp". 

Duyên cũng có lần đánh liều đề nghị sếp đi học các khóa học về thiền, yoga, hay các lớp về giao tiếp. Sếp gật đầu nhưng mãi vẫn chưa thu xếp thời gian để học. 

Nhân viên có quyền nghỉ không cần báo nếu bị sếp mắng chửi 
 
Bộ Luật Lao động sửa đổi 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021  quy định: "Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự...".

Anh Đậu Trọng Sang, trưởng phòng kinh doanh một công ty nhôm kính ở Q.11, TPHCM cho biết, chuyện sếp hay chửi bới, xúc phạm nhân viên bằng lời nói là chuyện không hiếm. 

Mới đầu anh rất bất mãn, nghĩ rằng không thể chấp nhận. Sau này, đi làm nhiều nơi, anh cân nhắc thêm nhiều yếu tố vì thật ra sếp nào cũng sẽ có mặt này mặt kia. 

"Việc nghỉ làm hay tiếp tục làm việc ở nơi sếp hay chửi bới tùy thuộc góc nhìn, giá trị vừa lựa chọn và khả năng chịu đựng của mỗi người. Có người chấp nhận, tập trung vào công việc, xem cơ hội phát triển hay nhìn vào điểm mạnh khác của sếp. Nhưng có người họ không thể chấp nhận", anh chia sẻ.

Theo anh Sang, trong công việc cũng như cuộc sống, ai điểm xấu, hạn chế, nhất là điều này ảnh hưởng đến người khác thì cần cải thiện, điều chỉnh. Nếu không, người xung quanh sẽ xa lánh mình hoặc có ở cạnh cũng gượng ép, khó vui vẻ, hạnh phúc. 

Tuy nhiên, thực tế, theo quan sát của anh Sang, rất ít sếp chịu nhìn lại để sửa mình.