Hà Nội:
Mất việc vì Covid-19, kỹ sư, hướng dẫn viên cho thuê xe đạp quanh Hồ Tây
(Dân trí) - Dịch Covid-19 làm nhiều ngành nghề đình trệ, lao động không có việc làm. Trong lúc này, nhiều kỹ sư, hướng dẫn viên du lịch thất nghiệp đã chuyển sang nghề cho thuê xe đạp ở khu vực Hồ Tây (Hà Nội).
Covid-19 cũng tạo ra... nhiều ông chủ cửa hàng
Anh Ngô Huy Hiệu trú tại Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) có hơn 10 năm làm nghề hướng dẫn viên du lịch nội địa. Dịch bệnh Covid-19 khiến khách nước ngoài không thể ghé thăm Việt Nam, công việc của anh Ngô Huy Hiệu cũng tạm nghỉ.
Trong lúc khó khăn vì nghề chính bị đình trệ, anh Ngô Huy Hiệu đã chọn giải pháp dùng những chiếc xe đạp trước đây để phục vụ khách du lịch nước ngoài, đem ra cho người dân thuê để đi dạo quanh hồ Tây.
Tại cửa hàng cho thuê xe của anh Ngô Huy Hiệu có hơn 60 chiếc xe đạp thể thao lớn nhỏ. Được biết, anh cho thuê xe đạp với giá 80.000 đồng/mỗi lần thuê với thời gian chỉ giới hạn trong ngày.
Anh Ngô Huy Hiệu cho hay: "Khách thuê tập trung đông nhất vào ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. Nhất là những hôm thời tiết khô ráo và mát mẻ. Khách hàng đa dạng thuê xe đủ các lứa tuổi: Từ người già, trẻ em, người nước ngoài. Nhưng đông nhất vẫn là các bạn trẻ".
Với số vốn khoảng 500 - 600 triệu đồng, những ngày đông khách, nghề cho thuê xe cũng giúp anh Ngô Huy Hiệu thu về 4 - 5 triệu đồng. Những hôm thời tiết xấu, anh chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng.
Cách cửa hàng của anh Ngô Huy Hiệu khoảng 4km, một cửa hàng cho thuê xe đạp dạo quanh hồ cũng đã hình thành trên phố Trích Sài. Anh Vương Trí Quỳnh, chủ cửa hàng và là cựu kỹ sư xây dựng.
Anh Vương Trí Quỳnh kể: "Công việc trước kia của tôi là làm việc cho các nhà thầu xây dựng nước ngoài. Dịch Covid-19 ập đến khiến công việc gặp khó khăn. Đang lúc bí bách, tôi chợt nảy ý tưởng rủ người thân mở cửa hàng cho thuê xe đạp. Ngoài cho thuê, cửa hàng của chúng tôi còn cung cấp dịch vụ sửa chữa và mua bán xe đạp".
Xe đạp tại cửa hàng của anh Vương Trí Quỳnh đa số được nhập về từ Nhật Bản. Với giá thuê 40.000 đồng/ca 4 tiếng. Trừ các chi phí "đầu ra", những ngày đông khách, anh thu về vài triệu đồng.
Theo anh Vương Trí Quỳnh, công việc tăng dần trong thời gian gần đây khi thời tiết trở nên ấm áp hơn. Những ngày cuối tuần, tình trạng "cháy" xe đạp thường xuyên diễn ra.
"Đây là nhu cầu du lịch tại chỗ của người dân. Phương thức đạp xe thăm quan Hồ Tây và các địa danh khác ở Hà Nội vừa thân thiện với môi trường lại vừa có sức khỏe nên ngày càng được mọi người ưa chuộng" - anh Vương Trí Quỳnh chia sẻ.
Cho thuê xe, nghề không dễ
Hốt bạc từ những chiếc xe đạp những ngày cuối tuần, nhưng anh Vương Trí Quỳnh cũng khá chật vật để làm vừa lòng khách hàng. Anh chia sẻ: "Muốn đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, tôi phải thuê thêm 2 người thợ sửa chữa, xe hỏng giữa đường là phải đem đồ nghề đi ngay".
Anh Vương Trí Quỳnh cho rằng, những chiếc xe dùng vào việc cho thuê phải được hoạt động một cách mượt mà nhất. Nhiều khách hàng tranh thủ để đi đạp xe sau mỗi ngày làm việc vất vả, nếu xe hỏng giữa đường tâm lý khách hàng không hề vui vẻ.
Cũng cho biết về những đặc thù của nghề cho thuê xe đạp, anh Ngô Huy Hiệu chia sẻ: "Càng gần tới mùa hè, khách hàng thuê xe rất sớm. Có người cứ 4h sáng là gọi cửa, cũng có khách hàng thuê xe buổi tối và trả xe sát giờ sang ngày mới nên việc thức khuya dậy sớm với tôi là chuyện bình thường" - anh Ngô Huy Hiệu cho biết thêm.
Xe đạp được kết cấu từ những bộ phận rất mỏng manh, dễ bị hỏng hóc. Mỗi khi có khách thuê xe, anh Ngô Huy Hiệu phải trực điện thoại để kịp thời cứu hộ khi xe hỏng giữa đường.
Làm thợ sửa chữa, bảo dưỡng xe đạp cho thuê với kinh nghiệm 5 năm tại một cửa hàng trên phố Trích Sài (Tây Hồ, Hà Nội), anh Nguyễn Công Anh chia sẻ: "Là người làm thuê nên chúng tôi phải kiểm tra kỹ mỗi khi giao xe cho khách, khi nhận xe cũng được xem xét kỹ càng".
"Không ít hôm, giữa trưa nắng, đang ăn dở bát cơm, khách hỏng xe cách cửa hàng chục km, đến sửa xong về đến nhà khách lại gọi bị hỏng ở gần chỗ lúc nãy sửa, phải tức tốc đi ngay. Từ nghề này, tôi có thu nhập 8 triệu đồng/tháng" - anh Nguyễn Công Anh tâm sự.
Theo anh Nguyễn Công Anh, nghề này cũng có những rủi ro như, khách hàng gây tai nạn, chỉ yêu cầu khách hỗ trợ chi phí sửa xe chứ không bắt đền vì tai nạn không ai mong muốn cả. Ngoài ra, chiếc xe thể thao có giá trị cao nên không ít đối tượng xấu sử dụng chứng minh thư giả để lừa đảo chiếm đoạt.
"Những khách đến thuê, để lại bằng xe máy thì yên tâm hơn. Khách đi bộ đến chúng tôi giữ lại chứng minh thư. Có lần gặp đối tượng dùng chứng minh thư giả. Tôi phát hiện ra vì ảnh rất mờ nên ra hỏi lại, thấy bị phát hiện, hắn nhảy lên xe đồng bọn chạy trốn" - anh Nguyễn Công Anh kể lại.