Mất tiền, mang nợ vì xuất khẩu lao động "chui"
(Dân trí) - Đóng hàng trăm triệu đồng để đi Hàn Quốc làm việc nhưng không được, các lao động đành liều đồng ý phương án của “cò” XKLĐ, chuyển hướng trốn sang Úc. Kế hoạch bất thành, những kẻ môi giới XKLĐ bị bắt giữ, nhóm lao động mất trắng cả trăm triệu đồng.
“Đi tắt” sang miền đất hứa
Khao khát sang Hàn Quốc làm việc nhưng ngại tham gia các cuộc sát hạch gắt gao của cơ quan chức năng, nhóm lao động gồm: Trần Văn Q. (SN 1991, trú huyện Đô Lương Nghệ An), Cao Đình T. (SN 1990, trú huyện Yên Thành, Nghệ An), Hoàng Văn H. (SN 1989) và Nguyễn Văn T. (SN 1972, cùng trú tại Diễn Châu, Nghệ An) đã tìm đến Công ty CP hợp tác hữu nghị Việt - Úc (trụ sở đóng tại TP Vinh) để được "hỗ trợ".
Tại đây, nhóm lao động này được ông Trương Xuân Vũ (SN 1982, trú huyện Anh Sơn, Nghệ An) hứa hẹn đưa sang Hàn Quốc làm việc với chi phí 12.000 USD. Sau khi đóng tiền, các lao động này không thể sang Hàn Quốc như Vũ cam kết.
Bởi vậy, khi Vũ gợi ý chuyển hướng sang Úc thay vì sang Hàn Quốc thì những người này đồng ý.
Thông qua Lê Quang Khải (SN 1983, trú huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), các lao động này được lo giấy tờ làm thuyền viên trên các tàu cá Thái Lan để tìm cách trốn vào Úc khi tàu cập bờ. Mỗi người sẽ phải đóng 22.000 USD, đặt cọc trước 5.000 USD.
Khải đưa nhóm lao động này sang Thái Lan nhưng nửa tháng ăn chực nằm chờ không xin được lên tàu cá làm việc nên phải mua vé cho họ trở lại Việt Nam.
Cũng trong thời gian này, biết đến công ty của Vũ có “uy tín” trong lĩnh vực “chạy” XKLĐ nên Nguyễn Tiến Đ. (SN 1976, trú huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Trần Thanh H. (SN 1987, trú thị xã Cửa Lò, Nghệ An) đến gặp Vũ nhờ làm thủ tục đi Úc.
Vũ tư vấn cho 2 lao động này hoặc sang Thái Lan làm việc trên tàu biển rồi khi tàu cập cảng ở Úc thì trốn lên bờ hoặc sang Ấn Độ rồi từ đó làm thủ tục đi Úc lao động.
Lao động H. và Đ. chọn cách sang Ấn Độ với tổng chi phí 26.000 USD, đặt cọc trước 200 triệu đồng. Trương Xuân Vũ liên hệ với Tống Thu Bắc (SN 1980, trú quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) nhờ Bắc làm thủ tục cho 2 lao động sang Úc. Khi hoàn tất thủ tục và sang đến Ấn Độ, hai lao động này phải nộp tiếp cho Bắc mỗi người 4.000 USD để xin visa sang Úc. Không xin được visa sang Úc, Trần Thanh H. và Nguyễn Tiến Đ. phải trở về Việt Nam.
Trong khi Trần Thanh H. bỏ giấc mơ đi xuất khẩu lao động thì Nguyễn Tiến Đ. vẫn quyết tâm thử vận may đến miền đất hứa. Lần này Tống Thu Bắc tổ chức cho Đ. sang Malaysia để đi Úc. Sau khi mất thêm 10.000 USD cho "cò", Đ. cũng không thể đặt chân đến Úc như mơ ước.
Cũng nuôi giấc mộng làm Việt Kiều nên khi được Trương Xuân Vũ tư vấn, Trần Đức C. (SN 1977, trú TP Vinh, Nghệ An) đồng ý kết hôn với người có quốc tịch Úc để được sang đây định cư.
Tuy nhiên kế hoạch này cũng không thể thực hiện được nên thông qua Tống Thu Bắc, C. đồng ý chuyển sang phương án sang Malaysia rồi tìm cách trốn sang Úc. Chi phí trọn gói cho hành trình đến miền đất hứa là 25.000 USD. Trần Đức C. đặt cọc cho Bắc 5.000 USD để sang Malaysia nhưng rồi phải thất vọng quay về quê cùng một số tiền nợ.
Ôm nợ
Ngày 29/5, TAND tỉnh Nghệ An đưa vụ án “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” đối với Trương Xuân Vũ, Tống Thu Bắc và Lê Quang Khải ra xét xử.
Đại diện của các lao động có mặt tại phiên tòa ngoài việc yêu cầu HĐXX xử lý hình sự các bị cáo nói trên còn đề nghị tòa buộc những người này hoàn trả số tiền đã thu, lên tới hàng trăm triệu đồng.
Ông Trần Văn T. (trú huyện Đô Lương), bố của lao động Trần Văn Q. cho biết: "Khi chúng tôi đến công ty của Vũ thì thấy biển hiệu đầy đủ, có hợp đồng được ký kết, có dấu đỏ… nên mới tin tưởng, đóng hàng trăm triệu đồng để con đi nước ngoài làm ăn. Giờ con không đi được, Vũ không trả tiền, chúng tôi lâm vào cảnh nợ nần, hàng tháng còng lưng trả lãi. Đề nghị tòa buộc bị cáo Vũ phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà chúng tôi đã đóng".
Tuy nhiên yêu cầu của ông T. không được chấp nhận. Theo lý giải của đại diện Viện KSND tỉnh Nghệ An, các lao động trên đều được biết, được bàn bạc và thống nhất với Trương Xuân Vũ, Tống Thu Bắc và Lê Quang Khải việc đi ra nước ngoài bằng con đường bất hợp pháp.
Việc làm của các lao động này đã tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo, làm ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu lao động giữa Việt Nam và các nước Hàn Quốc, Úc - vốn được kí kết với các điều khoản chặt chẽ.
Theo cơ quan chức năng, hành vi của các lao động trên không được pháp luật bảo hộ. Do đó vấn đề bồi thường mà họ đưa ra không thuộc sự điều chỉnh của các quy định pháp luật và không được xem xét tại phiên xử này.
Sau khi xem xét các lời khai và các yếu tố cấu thành tội phạm của từng bị cáo, HĐXX TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt Trường Xuân Vũ, Tống Thu Bắc 5 năm tù, Lê Quang Khải 9 tháng tù về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.
Phiên tòa kết thúc, yêu cầu bồi thường số tiền đã đóng để nuôi mộng XKLĐ “chui” không được xem xét, người thân của các lao động nói trên thất vọng rời khỏi tòa.
Trước mắt họ là một khoản nợ khổng lồ không biết bao giờ mới trả hết chỉ vì trót tin lời “cò” XKLĐ.
Hoàng Lam