Gia Lai:
Mang giống dược liệu đất Bắc lên vùng cằn cỗi, kiếm nửa tỷ mỗi tháng
(Dân trí) - Từ diện tích trồng hoa màu kém hiệu quả, chị Bùi Thị Vân Anh mạnh dạn đầu tư trang trại hoa hòe hữu cơ để xuất khẩu, mang lại cơ hội nghèo cho người dân ngay trên vùng đất đai cằn cỗi.
Nhận thấy mô hình hoa hòe ở quê hương Thái Bình đem lại hiệu quả kinh tế cao, chị Bùi Thị Vân Anh (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) đã nhen nhóm ý tưởng xây dựng, mở rộng theo hướng trồng hữu cơ.
Tuy nhiên, vùng quê chị sinh sống thì quỹ đất để sản xuất theo hướng trang trại lớn không có nên chị đã mạnh dạn đến với vùng Tây Nguyên.
Năm 2019, chị Vân Anh cùng em gái đã khăn gói vào tỉnh Gia Lai để khảo sát thổ nhưỡng, khí hậu. Tìm được vùng đất phù hợp ở xã Yang Trung (huyện Kông Chro, Gia Lai), chị mạnh dạn đầu tư, phát triển trang trại hoa hòe.
Mảnh đất Yang Trung sỏi đá, khô cằn, trồng mỳ, bắp... thu nhập đều không cao. Thế nhưng mô hình trang trại hoa hòe lại cho hiệu quả bất ngờ.
Ban đầu, chị Anh đã trồng thử hàng chục cây, theo dõi quá trình phát triển, chống chịu sâu bệnh, chịu hạn. Vươn lên từ sỏi đá, cây phát triển tốt tươi, thậm chí còn tốt hơn ở quê nhà.
Từ năm 2020, chị đã thu mua những khu đất trồng màu kém hiệu quả để xây dựng trang trại hoa hòe với diện tích 21ha tại xã Yang Trung.
"Từ 17 năm trước, gia đình tôi bắt đầu xây dựng xưởng sản xuất, chế biến hoa hòe để xuất khẩu đi Trung Quốc. Trong hoa hòe có chứa rất nhiều rutin. Tinh chất này giúp ổn định và hạ huyết áp, phòng ngừa tai biến mạch máu não. Với nguồn lợi hoa hòe mang lại, gia đình đã mạnh dạn nhân rộng vùng trồng ở Gia Lai để xuất khẩu", chị Vân Anh cho biết.
Khi mang giống trồng ở Gia Lai, chị Vân Anh không gặp nhiều khó khăn vì loại cây này quá quen thuộc ở quê hương. Theo chị, cây hoa hòe ở tỉnh Thái Bình mọc chi chít, hoa vàng rộ khắp vùng. Cũng nhờ cây dược liệu này mà nhiều hộ dân nơi đây thoát nghèo, có thu nhập ổn định.
Hoa hòe thường được trồng để lấy nụ, kỹ thuật chăm sóc khá đơn giản. Người trồng không tốn công chăm sóc, cây ít sâu bệnh, nhanh thu hoạch, cho thu nhập cao.
Trang trại hoa hòe của chị Vân Anh đều được trồng theo hướng hữu cơ nhằm mang đến sản phẩm chất lượng tốt tới người tiêu dùng. Vườn cây hoa hòe chủ yếu được sử dụng phân bò, vôi để khử phèn, chống nấm, mối gây hại cho cây.
"Hoa hòe vốn là loại cây dược liệu nên rất phù hợp sử dụng phân hữu cơ để tăng hàm lượng dược tính. Khi sử dụng phân hữu cơ, cây hoa hòe phát triển bền hơn rất nhiều so với sử dụng phân hóa học. Đồng thời, chi phí đầu tư phân hữu cơ rất thấp, chỉ khoảng 10 triệu đồng/ha cho một chu kỳ bón phân", chị Vân Anh nói.
Theo chị Vân Anh, khi cây hoa hòe cao 1-1,5m, chị bắt đầu thuê công nhân bấm ngọn để cây đẻ nhánh. Trên một cây hòe, chị chỉ giữ lại 4-5 cành chính để tán lá phân bố đều.
Bên cạnh đó, vườn cây hoa hòe của chị được đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, tránh để cây chết khô.
Cây hoa hòe ra hoa gần như quanh năm. Tuy nhiên, vụ thu hoạch chính khoảng từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm. Hoa hòe có thể sinh trưởng và phát triển trên 10 năm mới phải phá bỏ để trồng cây mới.
Trải qua nhiều năm trồng, trang trại hoa hòe của gia đình chị Vân Anh phát triển tốt, đã cho thu bói đầu năm nay. Với khoảng 21 ha, vườn hoa hòe ước tính đạt 8-9 tấn hạt khô mỗi tháng. Với giá bán hiện nay từ 150.000 đồng/kg hạt khô, trên diện tích 21ha có thể thu nhập 400-500 triệu đồng/tháng.
Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây hoa hòe mang lại, gia đình chị Vân Anh đang tiếp tục trồng thêm 30ha, mở rộng quy mô vườn nguyên liệu lên 50ha, qua đó, trở thành trang trại hoa hòe đầu tiên và lớn nhất tỉnh Gia Lai.
Ông Trần Văn Đấu - Phó trưởng Phòng NN & PTNT huyện Kông Chro cho biết, trang trại cây hoa hòe của chị Bùi Thị Vân Anh đã vận hành gần 2 năm nay, bắt đầu cho thu bói.
"Trang trại hoa hòe của chị Bùi Thị Vân Anh không những làm giàu cho gia chủ mà còn giúp giải quyết việc làm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Kông Chro. Có thể nói, đây là mô hình nhiều triển vọng, khi trang trại phát triển theo hướng hữu cơ.
Hiện nay, các đầu mối thu mua cây dược liệu rất kỹ trong việc kiểm soát đầu vào, dược tính, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên nếu không áp dụng theo mô hình hữu cơ sẽ rất khó thành công", ông Đấu thông tin thêm.