"Bắt" vùng đất cằn cỗi, hoang hóa "đẻ" tiền tỷ mỗi năm

Nguyễn Tú

(Dân trí) - Từ vùng đất cằn cỗi, nhiều hộ dân ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đã mạnh dạn trồng cam, khiến đất "đẻ" tiền tỷ mỗi năm.

Đến xã Đồng Thành vào những ngày này dễ dàng bắt gặp những vườn cam trĩu quả, vàng rực trên những sườn đồi. Đây là thời điểm người dân bước vào thu hoạch cam chính vụ. 

Bắt vùng đất cằn cỗi, hoang hóa đẻ tiền tỷ mỗi năm - 1

Từ vùng đất cằn cỗi, nhiều hộ dân ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đã mạnh dạn trồng cam, khiến vùng đất này "đẻ" ra tiền tỷ mỗi năm.

Hộ trồng ít nhất cũng có 5ha cam, hộ nhiều nhất lên đến hơn chục ha (héc-ta), giá dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg. Cây cam Đồng Thành không chỉ giúp người dân xóa đói giảm nghèo, mà còn thành cây trồng chủ lực giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu trên đất quê hương. 

Dẫn khách tham quan vườn cam của gia đình, ông Trương Văn Biên (SN 1958, trú ở xã Đồng Thành) kể: "Trước đây, vùng đất này rất cằn cỗi, vì độ dốc khá cao nên người dân chủ yếu trồng cây lâm nghiệp, một số diện tích bỏ hoang. Tuy nhiên, việc đầu tư vào cây lâm nghiệp cần chi phí lớn, thiếu đầu ra, giá cả bấp bênh… nên chúng tôi đã đổi mục đích cây trồng".

Bắt vùng đất cằn cỗi, hoang hóa đẻ tiền tỷ mỗi năm - 2

Cam Đồng Thành đạt tiêu chuẩn VietGap, vươn ra thị trường tiêu thụ trên cả nước.

"Nhờ học hỏi một số mô hình trồng cam ở địa phương và ứng dụng khoa học kỹ thuật, gia đình tôi bắt đầu trồng giống cam xã Đoài từ năm 2016, trên diện tích hơn 5 ha. Sản lượng trung bình các vụ từ 100 - 120 tấn, trừ chi phí thu lãi khoảng 2 tỷ đồng, vừa tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động, vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình nên tôi rất vui mừng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cam để phát triển kinh tế", ông Biên chia sẻ thêm.

Thu tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng cam trên đất cằn

 Anh Nguyễn Đình Ân (SN 1974, chủ trang trại cam Ân - Thơm tại xã Đồng Thành) có hơn 2 ha cam cũng chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Nhờ có kỹ thuật chăm sóc, hàng nghìn gốc cam của trang trại nặng trĩu quả đã chuyển màu vàng óng, nhìn rất bắt mắt.

"Dự kiến vụ này sản lượng cam thu hoạch 30 tấn, thu nhập khoảng một tỷ đồng. Đây là vụ thứ 2 thu hoạch đạt năng suất cao nên chúng tôi rất phấn khởi", anh Ân vui vẻ cho biết.

Bắt vùng đất cằn cỗi, hoang hóa đẻ tiền tỷ mỗi năm - 3

Để tránh sâu bọ, người dân đã mắc màn cho cam.

Cam vàng xã Đoài bám rễ trên vùng đất Đồng Thành từ năm 2005 đến nay, lúc đầu mới chỉ ở mức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Năm 2020, Hợp tác xã cam Đồng Thành đã tập hợp các hộ dân trồng cam trên địa bàn quy tụ về một mối, rất thuận lợi trong khâu sản xuất, tiêu thụ và quản lý. Từ 2020 - 2021, có 56 ha cam được cấp giấy chứng nhận Vietgap, tạo nên mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững.

Bắt vùng đất cằn cỗi, hoang hóa đẻ tiền tỷ mỗi năm - 4

Người dân còn dùng bẫy để bắt côn trùng thay vì dùng thuốc trừ sâu.

Đến nay, trên địa bàn xã này có gần 100 hộ trồng cam, tổng diện tích hơn 130 ha. Cây cam mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao; năm 2021, sản lượng ước đạt 1.400 tấn, cho thu nhập xấp xỉ 43 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng năm, các vườn cam còn tạo công ăn việc làm cho 300 - 400 lao động địa phương.

Ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Thành cho biết, từ một vùng đất cằn cỗi, Đồng Thành giờ đây đã thực sự chuyển mình với những vườn cam bạt ngàn, đem lại thu nhập và làm giàu cho người dân nơi đây.

Bắt vùng đất cằn cỗi, hoang hóa đẻ tiền tỷ mỗi năm - 5

Ông Trương Văn Biên cho biết, sản lượng trung bình các vụ từ 100 - 120 tấn, trừ chi phí thu lãi khoảng 2 tỷ đồng.

Theo ông Tuấn, trồng cây cam không dễ như nhiều người vẫn nghĩ. Cây cam đòi hỏi vốn đầu tư và chi phí lao động lớn, người trồng cam bên cạnh kinh nghiệm và ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật để cho năng suất cao còn phải nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, tình hình giá cả thị trường.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Dương, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết, cam Đồng Thành đã khẳng định được thương hiệu, tham gia nhiều hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh và được chứng nhận là cam sạch, an toàn, chất lượng cao theo tiêu chuẩn Vietgap.

Bắt vùng đất cằn cỗi, hoang hóa đẻ tiền tỷ mỗi năm - 6

Hàng năm, các vườn cam còn tạo công ăn việc làm cho 300 - 400 lao động địa phương.

"Trong thời gian tới đây, địa phương sẽ xây dựng thêm nhiều diện tích sản xuất cam đạt tiêu chuẩn Vietgap, đưa giống cam trên mảnh đất Đồng Thành vươn ra thị trường tiêu thụ trên cả nước, hướng tới đạt chất lượng sản phẩm theo chương trình Ocop (chương trình "mỗi xã, phường một sản phẩm" - PV)", ông Dương cho biết thêm.