Mai vàng Tân Tây: Thăng trầm làng nghề tiền tỷ một thời

PV

(Dân trí) - Dù giá mai đã giảm mạnh so với năm ngoái nhưng làng mai Tân Tây vẫn chỉ có lác đác vài người đến hỏi mua. Thậm chí, chỉ còn ít ngày nữa là Tết nhưng có nhà vườn vẫn chưa bán được cây mai nào.

Thời hoàng kim không còn, giá thấp kỷ lục

Nằm cách thành phố Tân An khoảng 20km, làng nghề mai Tân Tây (Thạnh Hóa, Long An), có 430ha mai vàng với hơn 526 hộ dân trồng mai. Nơi đây được biết đến là một trong những thủ phủ của cây mai vàng tại miền Nam.

Nghề trồng mai ở Tân Tây xuất phát từ anh Trần Văn Thống. Năm 2003, anh từ Long An xuống Cái Mơn (Bến Tre) tìm các nghệ nhân chuyên về mai vàng học nghề.

Một năm sau đó, anh về nhà ở ấp 4, xã Tân Tây xin cha cho mình phá bờ tràm cặp kênh nội đồng rộng 1.700m2 để trồng 500 gốc mai vàng và đem lại được hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy tiềm năng từ cây mai nên nhiều hộ nông dân khác cũng học trồng theo. 

Một cây mai được bán ra thị trường thường được trồng từ 3 năm trở lên, thời gian trồng càng lâu cây càng có giá trị. Theo các chủ vườn, nghề trồng mai khá dễ học, không đòi hỏi nhiều kĩ thuật, cây mai dễ sống, dễ chăm, không kén đất. Tuy nhiên yêu cầu người trồng cần phải tỉ mỉ, chú ý tránh sâu, bệnh.

Mai vàng Tân Tây: Thăng trầm làng nghề tiền tỷ một thời - 1

Người trồng mai luôn phải cẩn trọng phòng ngừa sâu bệnh (Ảnh: Thục Hiền).

Theo chia sẻ của người dân địa phương, những năm 2015-2022 là thời hoàng kim của cây mai, 1ha chủ vườn thu về 3-4 tỷ đồng. Từ đó mà cuộc sống người dân nơi đây được cải thiện, cả năm chỉ trông đến vụ hoa Tết. 

Song, năm nay dù số lượng mai nhiều, trồng đúng tiến độ, cây có chất lượng cao, người dân nơi đây vẫn ngao ngán vì giá thấp kỷ lục. Theo các chủ vườn giá mai giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, thậm chí chỉ bằng 1/4 thời kì hoàng kim.

"Mai năm nay giá bèo lắm, mọi năm mai như thế này cũng bán được giá 700.000-1.000.000 đồng nhưng năm nay tôi chỉ bán được 350.000 đồng, năm ngoái còn đỡ, năm nay giá quá thấp luôn", ông Tư Tứ chia sẻ.

Người dân tại đây cho biết, hầu hết mai đều trồng trên đất của gia đình vì thế mà chi phí bước đầu tương đối ít. Thế nhưng với giá chạm đáy như năm nay, người trồng thu lại lợi nhuận khá thấp. Số ít người đầu tư thuê đất để trồng mai thì đang lo sốt vó vì thua lỗ.

Mai vàng Tân Tây: Thăng trầm làng nghề tiền tỷ một thời - 2

Sát Tết không có khách mua, người dân lặt lá để ở nhà trưng Tết (Ảnh: Thục Hiền).

Giá đã giảm mạnh, người mua cũng giảm theo, khác với không khí nhộp nhịp của mọi năm, làng mai vàng Tân Tây giờ đây vắng bóng thương lái. Cận Tết, nhiều nhà vườn vẫn "dài cổ" đợi người mua.

"Vườn nhà tôi chưa bán được cây nào, chỉ có 2 thương lái tới hỏi mà họ trả thấp quá. Năm nay giá thấp, tôi bán 300 triệu đồng cho cả vườn mà người ta ép còn 250 triệu. Nếu bán với giá đó thì lỗ nên giờ tôi vẫn đang đợi thương lái khác, không có ai mua chắc phải để sang năm", chị Tiền nói.

Bà Nguyễn Thị Hiếu, Chủ tịch UBND xã Tân Tây cho biết nguyên nhân giá mai giảm vì số lượng mai ngày càng nhiều, sức cạnh tranh càng lớn. Bên cạnh đó, giá mai phụ thuộc chủ yếu vào thị trường vì thế mà cây mai không còn giữ giá thành được những năm "sốt".

Mong giá ổn định, tìm giải pháp mới 

Nhận thấy buôn bán truyền thống không thể khởi sắc, nhiều chủ vườn tại làng mai Tân Tây đã chọn cách livestream (bán hàng trực tuyến) trên nền tảng mạng xã hội TikTok để tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn. 

Các chủ vườn sẽ phát trực tiếp tại vườn mai của mình, quay cận cảnh cây, tư vấn cách chăm sóc cho người xem. Sau khi rao bán thành công, cây sẽ được vận chuyển đến nhà người mua.

Anh Thêm, một nhà vườn bán mai bằng hình thức này cho biết, vì quá ế ẩm, không có thương lái đến mua nên anh đã tự tìm hiểu livestream để bán mai. Hiện tại anh đã bán được hơn 200 cây mai tại vườn của mình bằng hình thức này.

Mai vàng Tân Tây: Thăng trầm làng nghề tiền tỷ một thời - 3

Anh Thêm đóng gói để vận chuyển cây mai đến khách (Ảnh: Thục Hiền).

Tuy nhiên, việc bán mai online gặp không ít khó khăn khi phải phụ thuộc nhiều vào thuật toán của nền tảng, chưa kể những câu chuyện "dở khóc dở cười" khi bị "boom" hàng.

"Hầu như ngày nào cũng livestream, trung bình mỗi ngày tôi bán được 4-5 cây, nhưng có hôm ngồi từ sáng đến chiều cũng không có người xem. Ngoài ra còn có mấy cây người ta chốt mua nhưng gửi đến lại không nhận. Cây mai bị "boom" ở lâu trong kho nở bung hết lá, tôi vừa mất tiền vận chuyển vừa phải chăm lại từ đầu", anh Thêm chia sẻ.

Anh kể thêm, dù livestream có thể giải quyết phần nào số lượng cây bị ế, thu lại kinh tế cho gia đình. Nhưng cũng tốn rất nhiều chi phí, đặc biệt là khâu đóng gói để vận chuyển một cây mai đi xa mà vẫn nguyên vẹn.

Chủ tịch UBND xã Tân Tây cho rằng để cạnh tranh trong thị trường mai vàng ngày nay người dân cần tập trung vào chất lượng của cây, sản phẩm phải đẹp, độc đáo mới thu hút được người mua.

"UBND xã định hướng đẩy mạnh phát triển làng mai gắn với du lịch, để thu hút du khách đến làng mai Tân Tây. Bên cạnh đó, dự kiến nhựa hóa đồng bộ các tuyến đường trong làng để thuận tiện cho giao thương và đi lại", bà Nguyễn Thị Hiếu chia sẻ.

Thục Hiền